Tăng trưởng kinh tếTrung Quốc quý I/2021 được dự báo là trên 20% so với một năm trước đó. (Nguồn: AFP) |
Theo trang SCMP, số liệu trên là mức cao kỷ lục, chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và vị trí trung tâm của quốc gia này trong việc thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu hậu Covid-19.
Song Xuetao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Công ty Tianfeng Securities ước tính, tăng trưởng GDP quý I/2021 sẽ tăng lên 20,5% so với một năm trước.
Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Ping An Securities dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2021 là 21% do cả sản xuất và nhu cầu tiêu dùng đều tăng nhẹ.
Tại cuộc họp tuần trước với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Peng Wensheng, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư nổi tiếng China International Capital Corporation cho biết, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 19% trong 3 tháng đầu năm 2021.
Dù là con số nào, đây chắc chắn sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ năm 1993.
Zhu Min, cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh: “Trung Quốc đang đi trước 1/4 so với sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Như vậy, nếu GDP quý đầu tiên của Trung Quốc tăng mạnh, điều này sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi đúng hướng để vượt qua mục tiêu tăng trưởng hàng năm của chính phủ là hơn 6%. Hầu hết các nhà phân tích đều kỳ vọng, Trung Quốc sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu với mức tăng trưởng cả năm trên 8%.
Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều của Trung Quốc - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư - vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng tại Soochow Securities nhận định, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu liên quan đến đại dịch cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản, có thể đạt "đỉnh" trong quý I/2021.
Nhưng nhà kinh tế Ren Zeping cũng cảnh báo, nền tảng của sự phục hồi kinh tế không vững chắc, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản đang đối mặt với áp lực suy giảm, tiêu dùng tư nhân phục hồi chậm do hạn chế về việc làm, thu nhập cá nhân và xuất khẩu hưởng lợi từ đại dịch Covid-19 sẽ suy yếu khi châu Âu và Mỹ dần dần hồi phục.
Zhu Haibin, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại JP Morgan cũng khẳng định, Mỹ có thể trở thành "đầu tàu" phục hồi kinh tế hậu Covid-19, thay vì Trung Quốc.
Ông Zhu Haibin giải thích, dựa trên dự báo tốc độ tăng trưởng hàng quý, nền kinh tế Mỹ sẽ mạnh hơn Trung Quốc trong năm nay, nhờ gói kích thích 1.900 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra.
Còn Xiao Gang, cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc thì nhận thấy, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc không đồng đều.
Ông Xiao Gang nói: "Những yếu tố tác động đến đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bao gồm bất bình đẳng giàu nghèo và chênh lệch giữa các khu vực".