📞

Tanzania: Phát hiện hươu cao cổ màu trắng rất hiếm

15:00 | 27/01/2016
Một con hươu cao cổ màu trắng rất hiếm có vừa được các nhà khoa học phát hiện ở Tanzania.
Con hươu cao cổ màu trắng rất hiếm ở Tanzania (Nguồn: CSM)

Con hươu cao cổ này vừa được các nhà nghiên cứu chụp ảnh trong Vườn quốc gia Tarangire của Tanzania.

Con hươu cái này được đặt tên là "Omo" – tên thương hiệu bột giặt phổ biến ở nước này.

"Nó rất hiếm. Đây là lần thứ hai một con hươu cao cổ màu trắng được tìm thấy ở Tarangire trong vòng 20 năm qua, trong số hơn 3.000 con hươu cao cổ sống trong khu vực" - tiến sĩ Derek Lee, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Thiên nhiên hoang dã (WNI) của Mỹ cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu tại WNI, chú hươu Omo có màu sắc khác thường bởi vì các tế bào bề mặt cơ thể nó không có khả năng tập hợp sắc tố, nhưng con hươu này không phải là dạng bạch tạng. Nó chỉ là dạng leucistic, nghĩa là tất cả hoặc một số tế bào sắc tố của nó không phát triển.

Họ cho biết, cách phân biệt giữa động vật bạch tạng và động vật dạng leucistic là động vật bạch tạng thiếu hắc tố (melanin) ở khắp mọi nơi trên cơ thể, kể cả ở đôi mắt. Điều này khiến những động vật bạch tạng có đôi mắt màu đỏ từ màu các mạch máu của chúng. Đó rõ ràng không phải là trường hợp của con Omo.

"Chúng tôi vui mừng khi thấy con hươu còn sống và khỏe mạnh. Khoảng một nửa số hươu cao cổ con bị giết chết trong năm đầu đời bởi loài sư tử, linh cẩu, và báo hoa mai. Ở Tanzania, việc người dân giết hươu cao cổ là bất hợp pháp vì nó là con vật quốc gia, nhưng việc săn bắn bất hợp pháp lấy thịt vẫn lan tràn" – ông Lee cho biết. "Hươu cao cổ bị đe dọa bởi nạn săn trộm thú rừng. May mắn thay, Omo sống trong một công viên quốc gia, nơi nó có cơ hội sống sót cao nhất nhờ những nỗ lực chống săn trộm trong khu vực”.

Hiện nay quần thể hươu cao cổ đã giảm nhiều ở khắp châu Phi. Thậm chí số lượng voi còn cao hơn cả số hươu cao cổ, vì vậy hươu cao cổ là loài bị đe dọa. "Chúng tôi đang nghiên cứu hươu cao cổ trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, về tầm quan trọng của những khu vực được bảo vệ và những hành lang di chuyển của đàn hươu cao cổ nhằm nỗ lực bảo tồn loài vật này trên khắp lục địa” – Tiến sĩ Lee nói.