Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5/2023 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản – Hội nghị diễn ra ngay sau khi hai bên nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Đại sứ có thể cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến tham dự Hội nghị lần này của Thủ tướng?
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản được tổ chức ngay sau khi ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Đây là dịp tốt để Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và Nhật Bản kiểm điểm thành quả hợp tác, từ đó đề ra định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới, xứng tầm với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nhật Bản và ASEAN.
Đây cũng là dịp để hai bên nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trong thời gian tới. Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN, luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ hơn nữa của quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. |
Kể từ khi Việt Nam ra nhập ASEAN năm 1995, quan hệ hai nước nằm trong tổng thể chung mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước thành viên của Khối.
Thế nhưng từ trước đó rất lâu, Việt Nam và Nhật Bản đã có mối lương duyên, làm ăn, hợp tác với nhau. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết, hợp tác địa phương nhộn nhịp, sôi động.
Đặc biệt, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuối tháng 11 vừa qua.
Trên nền tảng mối quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp như vậy, chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội nghị, đồng thời thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được xác lập.
Đồng thời, qua chuyến công tác tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai bên của Thủ tướng Chính phủ lần này, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa trong một dịp trả lời phỏng vấn báo Việt Nam cho biết Nhật Bản dự định xây dựng tầm nhìn mới về quan hệ Đối tác chiến lược Nhật Bản-ASEAN dịp Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Nhật Bản lần này. Theo Đại sứ, “tầm nhìn mới” này sẽ bao gồm những trọng tâm nào và hàm ý chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN là gì?
Như chúng ta đã biết, Quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản được thiết lập vào năm 1973. Nhưng có lẽ một trong những dấu mốc đậm nét của mối quan hệ ngày là vào năm 1977, Thủ tướng T. Fukuda đã công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN. Kể từ đó, chính sách ngoại giao “từ trái tim đến trái tim” của ông đã trở thành “điểm tựa” cho mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản.
Trải qua chặng đường năm thập kỷ, các thành viên ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau. Cơ sở để tạo dựng niềm tin cho mối quan hệ hợp tác này là việc hai bên luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược của nhau. Nhật Bản luôn ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, tôn trọng và đóng góp trách nhiệm vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Với sự can dự “lặng lẽ và bền bỉ”, quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã và đang có những bước phát triển toàn diện, năng động trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển... Nhật Bản là đối tác tin cậy, thực chất và hiệu quả, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN.
Ở chiều ngược lại, một ASEAN năng động, đa dạng, đang vươn mình phát triển, cũng luôn cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Với những điểm bổ sung, song trùng và hài hòa lợi ích như thế, trải qua nửa thế kỷ qua, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên.
Trong lĩnh vực kinh tế, từ lâu, Nhật Bản đã là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN. Ngoài quan hệ kinh tế, Nhật Bản còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác tài chính với các nước trong khối. Thông qua khuôn khổ ASEAN+3 được thành lập năm 1999, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN - Nhật Bản thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia. |
Nhật Bản và ASEAN phát triển mối quan hệ không chỉ với tư cách là đối tác thương mại và đầu tư lớn, mà còn là những người bạn thực sự, xuất phát từ mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” được xây dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ, thông qua nhiều hoạt động giao lưu nhân dân. Hiện nay, tổng số thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) là hơn 50.000 người.
Kể từ năm 2007, Chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS) cũng đã mời khoảng 47.000 lượt học sinh, sinh viên khu vực Đông Nam Á sang Nhật Bản, cả trực tiếp và trực tuyến, để tham quan, học tập và ngược lại. Ngoài ra, Quỹ Nhật Bản đã thực hiện khoảng 2.500 dự án trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước ASEAN...
Theo Đại sứ, Việt Nam có thể góp phần như thế nào vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản, trong bối cảnh Việt Nam được nhiều đối tác quan trọng ví là “cây cầu” kết nối giữa ASEAN với Nhật Bản?
Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực thúc đẩy củng cố và nâng tầm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ và phát triển theo hướng hiệu quả, thực chất và cùng có lợi.
Khi Nhật Bản đưa ra đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản trong năm 2023, Việt Nam sớm ủng hộ và luôn tham gia đóng góp tích cực, kịp thời để cụ thể hóa những đề xuất này, bảo đảm đúng lộ trình mà ASEAN-Nhật Bản đã đề ra từ đầu năm.
Một trong những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản phải kể đến việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, với những thách thức khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, Việt Nam đã triển khai công tác điều phối một cách sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình và nhu cầu hợp tác, mang lại lợi ích thực chất cho hai bên.
Đặc biệt là việc Nhật Bản đóng góp khoản hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), được công bố vào năm 2020, cùng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN…là một trong những đóng góp thiết thực của Nhật Bản vào ASEAN, mang dấu ấn, nỗ lực của Việt Nam vào sự phát triển chung của mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Dư âm của việc hai nước Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện cuối tháng 11 vừa qua còn “nóng hổi”, cùng với chuyến công tác Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo Đại sứ, có tác động nào không nào đến tương lai của mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN?
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong ASEAN, kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1995 đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của ASEAN.
Việt Nam giữ một vai trò quan trọng và đóng góp tích cực trong hợp tác ASEAN - Nhật Bản, đặc biệt trong hợp tác kinh tế và thương mại. Nội dung này được thể hiện trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), ký kết tháng 4/2008. AJCEP đã góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản, tạo ra một thị trường lớn hơn và hiệu quả hơn, mang đến nhiều cơ hội hơn cho cả hai bên trong khu vực này...
Việt Nam trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu thương mại cho không chỉ các nước ASEAN mà còn cho các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản. Cùng với sự phát triển quan hệ ngoại giao chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản qua các thời kỳ, từ quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” năm 2002, đến “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009, đến “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2014.
Đến năm 2015, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai quốc gia đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”, và mới đây nhất là quân hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới… Đồng thời, với vài trò và vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước, Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì hợp tác ASEAN - Nhật Bản.
Trong bối cảnh như thế, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới cùng với chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng như chuyến tham dự G7 mở rộng trong năm nay của Thủ tướng không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới mà còn góp phần tích cực vào tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN nói chung.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!