📞

Tạo điều kiện cho nông sản Việt thâm nhập hệ thống siêu thị của Hy Lạp

Bảo Chi 15:32 | 01/08/2022
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn Hy Lạp tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt thâm nhập các hệ thống siêu thị của Hy Lạp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nikolaos Dendias. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Hy Lạp Nikolaos Dendias đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/7-1/8. Sáng ngày 1/8, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nikolaos Dendias.

Bày tỏ vui mừng đón Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp sang thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm đánh dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác hai nước, góp phần triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou vào tháng 5 vừa qua, đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước sang một giai đoạn phát triển mới.

Hai Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước thời gian qua, đồng thời rà soát và trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng của hai nước.

Hai bên vui mừng nhận thấy sau gần nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, với quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, hợp tác giữa Việt Nam và Hy Lạp ngày càng được thúc đẩy và mở rộng sang nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, thương mại, lao động…

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao và phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cảm ơn phía Hy Lạp đã viện trợ 250.000 liều vaccine Astra Zeneca giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh Hy Lạp đã trao tặng khoản tài trợ trị giá 50.000 Euro cho Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam, góp phần hỗ trợ vận động viên Việt Nam tham gia vào sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Hy Lạp đã sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đặc biệt trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu phát triển như kinh tế biển, vận tải và khai thác cảng biển, chế biến thực phẩm...; tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập các hệ thống siêu thị của Hy Lạp.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên sớm kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định vận tải biển và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; đồng thời, Hy Lạp vận động EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Hai Bộ trưởng chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ ngoại giao giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao Hy Lạp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nikolaos Dendias nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong tổng thể chính sách của Hy Lạp đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đề xuất hai bên duy trì các cơ chế hợp tác, trong đó có tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, ông Nikolaos Dendias khẳng định ủng hộ việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hy Lạp và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước; bày tỏ mong muốn đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hy Lạp và khẳng định sẽ vận động các nước EU sớm phê chuẩn EVIPA.

Hai bên cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp ủng hộ lập trường của Việt Nam; nhấn mạnh lập trường nhất quán của Hy Lạp và EU về tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.