Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào và thăm cấp Nhà nước Campuchia, ông Nguyễn Huy Tăng, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương đã có một số chia sẻ với TG&VN trước chuyến thăm.
Ông đánh giá thế nào về quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia thời gian qua?
Có thể nói, quan hệ của Việt Nam với Lào và Campuchia là mối quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời, mối quan hệ ấy càng phát triển mạnh mẽ và không ngừng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam và Lào, cũng như Việt Nam và Campuchia đã chủ động và tích cực phối hợp thực hiện hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao song phương với nhau; các Hiệp định, Thỏa thuận kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ, cũng như các Thỏa thuận, chương trình, kế hoạch hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương của Việt Nam với hai nước.
ông Nguyễn Huy Tăng, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương. |
Việt Nam và hai nước bạn Lào và Campuchia đều tích cực tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác để thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung đã thỏa thuận. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ song phương Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia. Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu và hiệu quả, là trụ cột trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước bạn. Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học – kỹ thuật cũng tiếp tục được quan tâm thúc đẩy và có chuyển biến tích cực. Đồng thời, hợp tác ở cấp ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương giữa Việt Nam với Lào và Campuchia tiếp tục được tăng cường, mở rộng, ngày các có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Việt Nam với Campuchia cũng còn một số hạn chế và khó khăn, đó là: việc triển khai thực hiện một số nội dung Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam với hai nước bạn trên một số lĩnh vực, nhất là trong hợp tác kinh tế hiệu quả chưa được như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Ngoài ra, trong quan hệ với Campuchia cũng còn tồn đọng một số vấn đề mà hai bên đang quyết tâm phối hợp để giải quyết, trong đó có vấn đề phân giới cắm mốc 16% biên giới trên bộ còn tồn đọng, vấn đề giải quyết giấy tờ pháp lý cho bà con người gốc Việt tại Campuchia...
Ông có thể chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm tới hai nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?
Hai chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Lào và Campuchia là hai chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước trên cả hai cương vị. Chuyến thăm diễn ra vào năm bản lề khi Việt Nam và Lào tăng tốc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết của mỗi Đảng đề ra và đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng. Về phần mình, Campuchia bước sang một giai đoạn mới sau khi Đảng Nhân dân Campuchia giành quyền kiểm soát toàn bộ 03 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Mục đích chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Lào và thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là nhằm khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Lào và Campuchia; góp phần đưa “quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện” Việt Nam - Lào và “quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam - Campuchia đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Có thể nói đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, kết quả của chuyến thăm sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia trên tất cả các lĩnh vực.
Ông có thể cho biết về những nội dung chính trong chuyến thăm?
Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đánh giá kết quả triển khai quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với Lào và giữa Việt Nam với Campuchia trong thời gian qua, trao đổi và xác định phương hướng tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trong giai đoạn mới.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng sẽ chia sẻ đánh giá về tình hình thế giới, khu vực mà hai bên cùng quan tâm, qua đó xác định những trọng tâm cần phối hợp, hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Trong khuôn khổ chuyến thăm ta sẽ ký với Lào và Campuchia một số văn kiện hợp tác trên một số lĩnh vực. Kết thúc chuyến thăm ở mỗi nước, tuyên bố chung Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia sẽ khẳng định lại những nguyên tắc lớn trong quan hệ và nêu lên những định hướng lớn cho quan hệ Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia trong giai đoạn mới.
Nhận định của ông về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam với hai nước Lào và Campuchia sau chuyến thăm?
Tôi cho rằng, với kết quả của chuyến thăm và trên cơ sở Tuyên bố chung Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia lần này cũng như các thỏa thuận cấp cao đã có giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Việt Nam với Campuchia sẽ được các cấp, các ngành, các địa phương của Việt Nam và hai nước quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hơn, đáp ứng được lợi ích của cả ba nước.