📞

Tạo đột phá cho quan hệ Việt Nam-Qatar

Trang Trần 15:00 | 18/08/2022
Chuyến thăm chính thức Việt Nam (ngày 14-15/8) của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani trở thành dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, là động lực thúc đẩy hợp tác song phương để cùng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, ngày 15/8. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 14-15/8 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Chuyến thăm đến Việt Nam lần đầu tiên của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, tạo đột phá thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới.

Diễn ra trong bối cảnh hai bên vừa tổ chức thành công Tham vấn chính trị lần thứ hai giữa hai Bộ Ngoại giao hồi tháng Bảy và đang hướng đến việc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau (8/2/1993-8/2/2023), chuyến thăm cho thấy sự tích cực và quan tâm của mỗi bên dành cho nhau.

Qua chuyến thăm, thông điệp khẳng định vai trò, vị thế của mỗi nước trong khu vực được gửi đi. Trong khi Việt Nam coi Qatar là đối tác quan trọng tại khu vực Trung Đông thì Qatar cũng coi Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Những bước phát triển tích cực

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Tại các cuộc gặp, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển và chính sách kinh tế-xã hội tại mỗi nước, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Qatar trong thời gian qua.

Trong những năm qua, hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương. Đặc biệt, Qatar là một trong số các nước đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hai nước đã tổ chức hai kỳ họp Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao (lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2015, lần thứ hai tại Doha vào tháng 7/2022) và hai kỳ họp Ủy ban hỗn hợp do Bộ trưởng Lao động Việt Nam và Bộ trưởng Công Thương Qatar làm đồng Chủ tịch (lần thứ nhất tại Doha năm 2013, lần thứ hai tại Hà Nội năm 2016).

Với lợi thế kinh tế có tính bổ sung cho nhau, hợp tác kinh tế Việt Nam-Qatar được đánh giá là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong khi Qatar là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông thì Qatar cũng coi Việt Nam như cánh cửa để thâm nhập thị trường ASEAN.

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 400,5 triệu USD (năm 2020 đạt 550,3 triệu USD). Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Qatar là các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân ure…; xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử… Các tập đoàn lớn của Qatar hiện đang hoạt động tích cực và có hiệu quả ở Việt Nam.

Du lịch và giao lưu nhân dân có nhiều thuận lợi khi hãng hàng không Qatar Airways đã mở đường bay trực tiếp từ Doha đến Thành phố Hồ Chí Minh (2007), đến Hà Nội (2010), đến Đà Nẵng (2018) và tiến hành khai thác một số chuyến bay từ Việt Nam sang các nước khác.

Mặc dù vậy, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước. Hai bên đều nhận thấy còn nhiều dư địa để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trên các lĩnh vực tiềm năng như chính trị-ngoại giao, kinh tế, năng lượng, du lịch, lao động.

Hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, ngày 15/8. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tận dụng dư địa, thúc đẩy hợp tác

Trên cơ sở đó, tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đều nhấn mạnh cần phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, chú trọng tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao; tiếp tục phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực như ASEAN, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Về kinh tế, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh thâm nhập thị trường của nhau, thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế…

Về hợp tác đầu tư, hai bên thống nhất nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các Cơ quan quản lý, Quỹ đầu tư của mỗi bên như Quỹ đầu tư công QIA và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư với Qatar trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chuyển đổi số... cấp vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Đồng thời, phía Việt Nam khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các Quỹ đầu tư Qatar tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Về du lịch, tận dụng lợi thế hai nước đã mở cửa hoàn toàn và không có bất kỳ hạn chế nào đối với du khách quốc tế, cả Việt Nam và Qatar đều mong chờ làn sóng du lịch bùng nổ trong thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn khi dần hoàn thiện dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của du khách đến từ các quốc gia Hồi giáo. Trong khi đó, Qatar đang chuẩn bị tổ chức World Cup 2022 mùa Đông tới.

Về lao động, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Hiệp định về hợp tác lao động. Bên cạnh đó, phía Việt Nam đề nghị Qatar tiếp nhận thêm các lao động tay nghề cao.

Nhằm tạo đột phá cho quan hệ hợp tác song phương thời gian tới, hai bên đang hướng tới tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ ba để rà soát và trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đẩy nhanh đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã ký Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt.

Những cam kết, định hướng cụ thể trên đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo các cấp hai nước trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương để Việt Nam và Qatar chào đón dịp kỷ niệm ba thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau thêm phần ý nghĩa.

Chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar đã khép lại nhưng những cơ hội hợp tác mở ra sau đó được kỳ vọng sẽ tạo đột phá và phục hồi sau đại dịch, góp phần đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất.

Qatar nằm ở phía Đông bán đảo Arab, phía Nam giáp Saudi Arabia còn lại giáp Vịnh Arab, có diện tích 11.586 km2, dân số gần 2,5 triệu người, đạo Hồi là quốc đạo.

Qatar theo chế độ quân chủ, đứng đầu Nhà nước là Quốc vương (Quốc vương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang).

Với tiềm lực kinh tế-tài chính mạnh, Qatar đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông-châu Phi.

Nền kinh tế của Qatar chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác, chế biến dầu và khí đốt, hiện chiếm khoảng 85% nguồn thu xuất khẩu. Quốc gia này có tiềm lực lớn trong lĩnh vực năng lượng khí đốt (trữ lượng khí đốt hơn 25.000 tỉ m3, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí hóa lỏng).