📞

Tạo đột phá trong ngoại giao kinh tế

Phan Mích 09:30 | 06/07/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cần đột phá hơn nữa trong ngoại giao kinh tế vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa giải quyết vấn đề chiến lược...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước sáu tháng cuối năm 2023 ngày 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cần đột phá hơn nữa trong NGKT vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa giải quyết vấn đề chiến lược; yêu cầu đã hành động quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn nữa, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa...

Từng trực tiếp tham gia vào công tác xúc tiến thương mại, đưa tôm cá và các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam “vươn ra biển lớn”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vẫn ấn tượng với lần khảo sát thị trường ở Ai Cập cách đây hơn mười năm.

“Khi vào một khu chợ dân cư của nước bạn, sau khi giới thiệu là người Việt Nam thì họ rất hào hứng và nói to Việt Nam - Basa. Đối với những người ở xa chúng ta hàng ngàn cây số nhưng khi nhắc đến Việt Nam thì họ lại biết đến cá basa – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Từ câu chuyện này có thể thấy sức lan tỏa của công tác NGKT và xúc tiến thương mại của chúng ta tại thị trường quốc tế”, ông Nam kể lại.

Doanh nghiệp “đặt hàng”

Câu chuyện của ông Nam là một trong những câu chuyện được đại diện các hiệp hội của nhiều ngành kinh tế chia sẻ tại Hội nghị khi nhắc đến vai trò hiệu quả của công tác NGKT trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin về thị trường, kết nối với đối tác, giải quyết xung đột pháp lý…

Gửi lời cảm ơn tới Đại sứ các nước đã hỗ trợ tích cực một số thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) hợp tác với các tập đoàn lớn của Ấn Độ, châu Âu trong một số dự án phát triển về kinh tế hàng hải, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch VLA không “quên” đề xuất, thời gian tới, Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, trên nền tảng hỗ trợ NGKT sẽ cùng các doanh nghiệp trong VLA phát triển các trung tâm logistics quốc tế. Theo đó, các trung tâm này sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế để hỗ trợ cho xuất nhập khẩu trong toàn bộ hệ sinh thái về logistics, hàng hải, vận tải biển, kết hợp đường sắt, đường không…

Đại diện cho các doanh nghiệp thuộc khối ngành lương thực, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, thắng lợi của hạt gạo Việt Nam trong năm 2022 không thể không kể đến những đóng góp rất lớn của ngành ngoại giao, vai trò của các Đại sứ, Tham tán và hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

“Hữu ích”, “kịp thời”, “sâu sát”... là những tính từ được bà Thanh Tâm nhắc đến thường xuyên khi dẫn chứng về những dấu ấn của công tác NGKT đối với ngành lương thực trong năm 2022. Đó là câu chuyện thông tin về tình hình xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giúp hạt gạo Việt Nam giành lợi thế trên thị trường quốc tế hay việc Indonesia - quốc gia chưa từng nhập khẩu gạo của Việt Nam đã lần đầu tiên mua 2 triệu tấn gạo…

Theo bà Thanh Tâm, với bối cảnh mới của kinh tế thế giới thì vai trò của NGKT cũng cần thay đổi phù hợp. “Với tình hình mới hiện nay, tôi mong muốn các hoạt động xuất nhập khẩu không còn là những hoạt động thương mại thuần túy mà sẽ nằm trong tổng thể đường hướng chính sách ngành ngoại giao. Cần có những chính sách mang chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp cũng sẽ chủ động đặt hàng, đồng hành cùng các cơ quan ngoại giao, chứ không chỉ ngồi yên chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ”, bà Tâm khẳng định.

Tại Hội nghị, nhiều “đơn đặt hàng” cũng được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất trực tiếp với ngành ngoại giao, đặc biệt là công tác NGKT trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, bám sát tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Chỉ thị 15, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngoại giao đã xác định, quán triệt NGKT là nhiệm vụ cơ bản và trung tâm của các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và hoạt động NGKT với phương châm quyết liệt, thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương là trung tâm phục vụ, thiết thực đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Điểm lại những kết quả nổi bật của công tác NGKT thời gian qua, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, công tác NGKT tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với các đối tác; đưa kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương và đa phương.

“Trong gần 30 hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, hơn 50 hoạt động tiếp xúc, làm việc của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành với các tập đoàn kinh tế trong sáu tháng đầu năm, các nội dung kinh tế được thúc đẩy và kết quả nhiều quan trọng và thực chất, với trên 70 văn kiện được ký kết, thiết lập các khuôn khổ và lĩnh vực mới mang tính đột phá; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước”, Thứ trưởng dẫn chứng.

Theo Thứ trưởng, NGKT tiếp tục góp phần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương, qua đó mở rộng không gian phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Công tác NGKT hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Ngoại giao đã tổ chức năm hoạt động kết nối địa phương trong nước với các đối tác lớn; hỗ trợ các địa phương xây dựng hơn 50 thỏa thuận hợp tác, 50 hồ sơ xây dựng, triển khai các quy hoạch ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động cập nhật, thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp về các xu thế và các quy định mới.

Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023 - 2026 làm việc với chín bộ, ngành, trên 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn; tiếp tục hỗ trợ thẩm tra, xác minh, tháo gỡ các vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Công tác NGKT cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu - tham mưu về kinh tế trên cơ sở bám sát nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước, qua đó đóng góp tích cực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, NGKT đã đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp và triển khai, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn lực. Triển khai hiệu quả giao ban NGKT định kỳ giữa các địa phương, doanh nghiệp trong nước với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Định kỳ hàng quý tổ chức giao ban với các Cơ quan đại diện theo khu vực, trong đó NGKT là một nội dung trọng tâm.

Hội nghị có sự tham dự trực tuyến của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bốn nhiệm vụ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; có chương trình, sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, có tính khả thi; mỗi lần đoàn cấp cao về thì các bộ, ngành phải cụ thể hóa ngay nhiệm vụ.

Thứ hai, nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực ta có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay (như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...); đẩy mạnh các chương trình ODA với các nước; thúc đẩy kết nối chiến lược về phát triển và cơ sở hạ tầng với Trung Quốc; Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg; chuẩn bị ký FTA với Israel, thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với UAE...

Thứ ba, thúc đẩy thu hút vốn đầu tư FDI, phát triển thị trường xuất khẩu; thị trường du lịch, thị trường lao động; cụ thể hóa Luật Xuất nhập cảnh, mở rộng diện các nước được miễn visa, nâng cấp hoạt động visa điện tử của các bộ liên quan; sửa Nghị định liên quan visa lao động; tăng cường xuất khẩu lao động, vừa giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với một số nước; nghiên cứu tham mưu chiến lược, phát triển ngành nghề có hệ thống, bài bàn, khi tình hình thay đổi thì chiến lược, chiến thuật phải thay đổi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả.

Thứ tư, tháo gỡ cho các ngành dệt may, da giày, thủy sản, gỗ…. ; phát huy các ngành có thế mạnh như rau củ quả, phải bảo đảm lợi ích trước mắt, vừa tính đến lợi ích lâu dài.