📞

Tạo đột phá trong ngoại giao kinh tế

Phan Mích 00:00 | 04/04/2024
Nhiều bài học kinh nghiệm, đánh giá, đề xuất, kiến nghị... được chia sẻ, trao đổi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 2/4 tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra bốn định hướng, sáu biện pháp quan trọng để tạo đột phá trong công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2024.

Dù đã qua hơn 20 năm nhưng bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn ấn tượng sâu sắc với câu chuyện ngành Ngoại giao nỗ lực hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho “hạt gạo làng ta”. Bà kể, những năm 2000, dù là một quốc gia xuất khẩu gạo, do chất lượng gạo chưa cao, Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán tìm đầu ra cho hạt gạo. Thời điểm đó, thông qua tìm hiểu, quan sát thị trường, một số Đại sứ, Tham tán thương mại tại các nước Indonesia, Philippines, Malaysia đã nhìn thấy cơ hội của ngành lúa gạo Việt Nam, xúc tiến tham mưu cho Chính phủ để ký kết các hợp đồng tập trung với số lượng hai, ba triệu tấn/năm.

Khi ngoại giao gắn sâu hơn với kinh tế

Ấn tượng về “sự bài bản”, “đi sâu, đi sát” của ngành Ngoại giao, đặc biệt là sự phối hợp với các địa phương trong công tác NGKT cũng được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ tại Hội nghị. Theo ông Thanh, trước khi nhận nhiệm vụ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đều làm việc cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương.

“Mới đây, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã có buổi làm việc với Hà Nội để tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng, mong muốn của Thủ đô đối với một số địa bàn trọng điểm. Tôi cho rằng, đây là cách làm việc hữu ích, qua đó cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm và rất hiểu về Hà Nội. Cách làm này cũng phản ánh ngành Ngoại giao đã gắn sâu hơn với các hoạt động kinh tế”, ông Thanh nhận định.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội không quên nhắc lại sự vào cuộc quyết liệt của Cơ quan đại diện Việt Nam trong vụ doanh nghiệp ngành điều bị lừa đảo khi xuất khẩu sang Italy: “Từ vụ việc đó, các doanh nghiệp cảm thấy ấm lòng khi kinh doanh ở nước ngoài. Giống như bảo hộ công dân, bảo hộ doanh nghiệp, ngành hàng đang là công tác được ngành Ngoại giao phát huy hiệu quả”.

Nhận định về hiệu quả của công tác NGKT thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu, hiện tượng trong phát triển kinh tế xã hội “nhờ thế và lực tổng hợp của đất nước, trong đó có NGKT”.

Nhiều đề xuất, “đơn đặt hàng” cụ thể từ phía đại diện các bộ ngành, hiệp hội, ngành hàng, địa phương… được gửi tới ngành Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là công tác NGKT trong thời gian tới. Đó là đề xuất “ngoại giao tổng lực” cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin hay phối hợp xây dựng chiến lược phát triển thị trường nông sản để biến “sản phẩm” thành “thương phẩm”, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển từ tư duy “buôn chuyến” sang làm ăn đường dài của ngành nông nghiệp…

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu ba kết quả nổi bật của công tác NGKT tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nội dung trọng tâm, kết quả thực chất

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thời gian qua, công tác NGKT nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng. Tính cả lần này, trong 18 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì sáu hội nghị NGKT để trực tiếp định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong đẩy mạnh công tác NGKT.

Theo người đứng đầu ngành Ngoại giao, từ năm 2023 tới nay, công tác NGKT đạt ba kết quả nổi bật: Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện NGKT được triển khai kịp thời, bài bản hơn; NGKT tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước; NGKT đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế. Công tác NGKT được các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập.

Trong đó, nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn. Công tác huy động nguồn lực của cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào được quan tâm, đẩy mạnh.

Ba cùng, ba phát huy

Tại Hội nghị, để tạo đột phá cho công tác NGKT trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, đề nghị các chủ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động trên tinh thần “ba cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh “ba phát huy”: Phát huy thế và lực của đất nước để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị họp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng chỉ rõ bốn định hướng lớn NGKT cần thúc đẩy. Thứ nhất, tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm của các hoạt động đối ngoại. Trong đó, cần xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.

Thứ hai, cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…).

Thứ ba, khai thác tối đa tiềm năng các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn sáu triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước. Phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác NGKT thời gian tới.

Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu: Một là, tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam.

Hai là, đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết. Trong quá trình xây dựng báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Chỉ thị 15, Nghị quyết 21 về công tác NGKT, các bộ, ngành, địa phương phải lượng hóa, báo cáo rõ về những kết quả cụ thể đã đạt được, nếu có khó khăn thì phải xác định rõ kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ba là, củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông - châu Phi, thị trường Halal…

Bốn là, tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng...; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn của các tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp….

Năm là, tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn Trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài sắp tới để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước.

Sáu là, nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.

“NGKT phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.