📞

Tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động

17:36 | 27/12/2017
Sáng ngày 27/12, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.

Theo ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ, trong năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo đã thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra. Trong đó, có nhiều nội dung công tác lớn được tập trung chỉ đạo, kết quả cao như: Tổng kết chủ trương, chính sách về tôn giáo, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật xây dựng 2 nghị định quy định chi tiết về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp về đất đai tôn giáo tồn đọng, kéo dài.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị.

Toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo theo quy định của pháp luật, chấn chỉnh hoạt động tôn giáo trái pháp luật, đấu tranh và phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tham mưu với chính quyền các cấp giải quyết kiến nghị chính đáng của các tôn giáo bảo đảm đúng pháp luật, góp phần bảo đảm quản lý nhà nước, ổn định tình hình tôn giáo trong cả nước, phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của công tác tôn giáo năm qua. Đó là, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo chưa nhận thức đầy đủ về tôn giáo, chức năng, nhiệm vụ, vai trò của công tác tôn giáo; có nơi, có lúc còn tư tưởng “quá tả” hoặc “quá hữu” đối với quản lý Nhà nước về tôn giáo, dẫn đến ứng xử và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo chưa phù hợp, tạo tâm lý bức xúc trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo; một số quan điểm, chỉ đạo của Đảng chậm được “luật hoá” nên chậm đi vào cuộc sống, hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện dẫn đến lúng túng trong xử lý; bộ máy tổ chức; nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong khi cơ sở thừa tự còn thiếu…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo tiếp tục phát triển, các tổ chức tôn giáo được công nhận cơ bản thực hiện đúng đường hướng phương châm hành đạo, gắn bó cùng dân tộc.

Theo đó, tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo như Đề án chính sách tổng thể về tín ngưỡng, tôn giáo nước ta, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức Đại hội theo quy định của pháp luật; tiếp tục các hoạt động đối ngoại tôn giáo; tăng cường, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ, công tác tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới. Đó là, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện; hoạt động đối ngoại tôn giáo đạt nhiều kết quả tốt; thanh tra và kiểm tra được duy trì tích cực; giải quyết khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo tồn tại từ nhiều năm qua đã có một số kết quả tốt, tạo niềm tin với chức sắc và tín đồ các tôn giáo; các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng nông thôn mới; các sự kiện lớn của tôn giáo được các cấp chính quyền quan tâm, hướng dẫn theo quy định, tạo sự yên tâm của chức sắc và tín đồ với Đảng và Nhà nước; hoạt động tôn giáo cơ bản theo quy định của pháp luật; các tôn giáo tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước… Với những kết quả đó, ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tuy nhiên, công tác tôn giáo còn tồn tại những bất cập. Một số nơi, cấp uỷ, chính quyền địa phương, cán bộ còn xem nhẹ và chưa nhận thức đầy đủ về tôn giáo và công tác tôn giáo. Còn mặc cảm, thờ ơ, cực đoan với tôn giáo, công tác tuyên truyền chưa thực sự đổi mới và phù hợp với thực tiễn, hệ thống chính trị ở cơ sở ở vùng giáo còn yếu kém, khiếu nại về đất đai liên quan đến tôn giáo ở một số nơi chưa được giải quyết dứt điểm, các thế lực phản động đã móc nối với một số ít chức sắc tôn giáo kích động tín đồ chống chính quyền, vi phạm pháp luật, bắt giữ trái phép cán bộ, bao vây trụ sở chính quyền…

Năm 2018, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Các hoạt động tôn giáo xuyên biên giới sẽ tác động đến tôn giáo trong nước. Những phức tạp liên quan đến tôn giáo trong nước nếu không giải quyết đúng sẽ dẫn đến phát sinh điểm nóng. Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, Phó Thủ tướng đề nghị ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ lớn.

Một là, tổ chức triển khai tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tập trung triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định liên quan trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và toàn xã hội; chú trọng nghiên cứu cách làm mới, hiệu quả, quan tâm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động của các tổ chức tôn giáo; nâng cao nhận thức tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhằm làm cho các tín đồ tôn giáo và nhân dân hiểu rõ và nắm rõ, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật, nêu cao tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các tôn giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, xây dự khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các âm mưu và hoạt động tôn giáo để chống phá đất nước. Không để hình thành các tổ chức hoạt động không đúng quy định của pháp luật. Chuẩn bị các điều kiện triển khai công tác quản lý về tín ngưỡng theo quy định của luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta cần học tập, quán triệt và thực hiện có hiệu quả tư tưởng của Bác Hồ về chính sách đại đoàn kết toàn dân. Đó là, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo, tạo ra các giá trị sống nhân văn và tốt đẹp. Đồng thời, chúng ta cũng đấu tranh với những mặt tiêu cực như lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước”.

Bộ Nội vụ sớm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng yêu cầu đặt ra với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tập trung làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc tôn giáo và tín đồ trong việc xây dựng quê hương, đất nước; củng cố xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là vùng có nhiều tín đồ với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành và gắn bó với dân tộc, tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng giải quyết đúng đắn các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo, vận dụng đúng đắn chính sách, pháp luật để giải quyết các khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo, phát hiện xử lý ngay tình huống phức tạp từ cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự, không để các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo để móc nối, kích động, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, những vấn đề tồn tại, phức tạp liên quan đến tôn giáo do lịch sử để lại nên không thể một ngày, một buổi giải quyết xong được, cần một quá trình để giải quyết. Trong quá trình đó, thời gian và chính sách tốt sẽ từng bước giải quyết tốt những tồn tại phức tạp, từng bước thay đổi nhận thức của chức sắc và tín đồ để họ gắn bó với dân tộc. Phải vận dụng đúng chủ trương, chính sách để xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo trên cơ sở tôn trọng, gần gũi, vận động, thuyết phục, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, không thành kiến, định kiến với tôn giáo và hoạt động tôn giáo.

“Chúng ta tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, chấp hành tốt pháp luật, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ đất nước, tôn giáo đồng hành cùng dân tộc thì những nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, hoạt động tôn giáo chính đáng luôn được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định.

Tăng cường công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ tình hình tự do, tín ngưỡng ở Việt Nam. Động viên, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước vì lợi ích cộng đồng, phục vụ đối ngoại nhân dân.