📞

Tập Cận Bình – vị Tổng Tư lệnh của quân đội Trung Quốc

08:40 | 23/04/2016
 Ngày 20/4, lần đầu tiên các phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi Chủ tịch Tập Cận Bình với một chức danh mới - “Tổng Tư lệnh”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong quân phục đến thăm Sở Chỉ huy Phối hợp Tác chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. (Nguồn: UPI)

Theo Tân Hoa Xã ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Sở Chỉ huy Phối hợp Tác chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt ở khu vực ngoại ô phía Tây Bắc Kinh.

Sở Chỉ huy Phối hợp Tác chiến chịu sự giám sát trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Hai Phó Chủ tịch là Tướng Phạm Trường Long và Tướng Hứa Kỳ Lượng đã cùng hộ tống ông Tập trong chuyến thăm này.

Chức danh mới

Trong chuyến thăm, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai mặc quân phục mang phù hiệu của Sở Chỉ huy. Tại đây ông đã phát biểu rằng các quân nhân cần phải “tuyệt đối trung thành, tháo vát trong chiến đấu, hiệu quả trong chỉ huy, dũng cảm và có khả năng giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến”. Đây cũng là lần đầu tiên các phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi ông Tập Cận Bình với một chức danh mới - “Tổng Tư lệnh” - sau khi nhà lãnh đạo này đã nắm ba chức danh chủ chốt khác là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC).  

Các nhà quan sát cho rằng chức vụ và bộ quân phục này nhằm phát đi một thông điệp đến thế giới rằng ông Tập Cận Bình không chỉ là người lãnh đạo cao nhất về mặt hành chính đối với lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, mà còn là tổng tư lệnh các lực lượng chiến đấu. 

Điều này cũng diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong các vấn đề biên giới lãnh thổ, mặc dù vấp phải sự phản đối từ Washington và các nước khác.

Chức danh mới thể hiện rõ ràng rằng quân đội Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và Chủ tịch Tập Cận Bình đứng ở vị trí trung tâm của sự thay đổi này. Các quan điểm đối ngoại mạnh mẽ của ông rất phổ biến trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và trong lực lượng quốc phòng.

Quan điểm này đã được khẳng định trong vùng Biển Đông còn tranh chấp mà Trung Quốc đòi yêu sách hầu như toàn bộ thông qua việc xây dựng các đường băng trên các rặng san hô và bãi đã ngầm và tìm cách giới hạn năng lực hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực.

Thông điệp cứng rắn

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc ông Tập Cận Bình lựa chọn trang phục quân đội nhằm thể hiện rằng ông không những đang kiểm soát quân đội mà còn có một phong thái rất cương quyết. Bởi vậy, nếu xảy ra chiến tranh, ông có thể sẵn sàng tự mình chỉ huy.

Ni Lexiong, một chuyên gia nghiên cứu quân sự tại trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Thượng Hải cho biết thông điệp quan trọng nhất mà ông Tập Cận Bình muốn gửi tới thế giới là ông sẽ không nhân nhượng trong vấn đề lãnh thổ, kể cả việc phải trả cái giá của nó là chiến tranh.

Trong khi đó, sử gia chính trị Trung Quốc Zhang Lifan nhận định rằng động thái mới này của ông Tập Cận Bình đã phản ánh quyền lực chính trị tối cao của ông và báo hiệu những nỗ lực mới nhằm củng cố quân đội Trung Quốc.

“Bằng cách cải tổ mô hình chỉ huy quân sự theo kiểu Liên Xô cũ, quân đội Trung Quốc giờ có thể cạnh tranh với mô hình của Mỹ và dễ dàng nhận lệnh để triển khai nhanh hơn”, ông Zhang Lifan đánh giá.

Cũng có ý kiến cho rằng, chức danh mới của ông Tập Cận Bình mang tính chính trị hơn là quân sự. Xét trên thực tế, chức danh này không bắt buộc ông sẽ phải tham gia vào việc điều hành hàng ngày đối với quân đội.

Thông qua lịch sử của Trung Quốc, quyền lực chính trị thường được dựa trên sự kiểm soát đối với quân sự. Chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Sở Chỉ huy Phối hợp Tác chiến nhằm biểu dương sức mạnh của ông Tập đối với những đối thủ và tỏ rõ sự cứng rắn và trách nhiệm của vị Chủ tịch Trung Quốc. 

(theo THX, NBS News)