Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2019 đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 diễn ra cùng ngày.
Theo đó, một số kết quả nổi bật phải kể đến: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước phát triển khá. Năng suất lúa mùa tăng nhẹ; chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh (đàn gia cầm tăng 12%), dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương dần được kiểm soát (có gần 4.600 xã không phát sinh dịch 30 ngày qua); lâm nghiệp phát triển ổn định (sản lượng gỗ khai thác tăng 4,5%); ngành thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá (sản lượng thủy sản tăng 5,7%, trong đó nuôi trồng tăng 6,4%).
Về khu vực công nghiệp, Việt Nam giữ mức tăng trưởng khá (IIP tăng 9,3%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao (sắt, thép tăng 37,5%; xăng, dầu tăng 23,9%; tivi tăng 14,6%; điện thoại thông minh tăng 14,2%; vải dệt tăng 11,7%).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thị trường thương mại phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá, xuất siêu ở mức cao. Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD, tăng 47,1%. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
"Đặc biệt, đời sống người dân được cải thiện; công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện (số hộ thiếu đói giảm 34,2%, hỗ trợ hộ thiếu đói 3,9 nghìn tấn gạo). Tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết và các hoạt động tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và chuỗi hoạt động tôn vinh các thày, cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin đến các phóng viên nội dung buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian qua cũng nổi lên một số vấn đề hạn chế. Cụ thể như: Giá thịt lợn tăng rất cao, do nguồn cung thiếu hụt; sản xuất công nghiệp tháng 11 có dấu hiệu tăng chậm lại; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến; xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 7,8%, có xu hướng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 (tăng 22,1%) và 2018 (tăng 14,6%); phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự như: giáo dục, y tế, an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp...
Báo cáo về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có những giải pháp như: tập trung làm tới cùng công tác phòng, chống dịch bệnh; nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp, công nghiệp - thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng, quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Khối lượng công việc vẫn còn bề bộn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực theo đúng kế hoạch đề ra nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt là với các vấn đề nổi cộm hiện nay, như phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm, tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn Châu Phi; quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài để tháo gỡ “thẻ vàng” EU đối với thuỷ sản Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Thêm vào đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" trên các ấn phẩm sách báo, phim ảnh, hàng hóa, phần mềm…; chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch việc lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông…