Luật sư Luis Tagliapietra, cha của Đại tá Alejandro Damián Tagliapietra, một trong những sĩ quan của ARA San Juan, cho biết việc khởi kiện là nhằm lưu giữ những bằng chứng liên quan tới việc bảo dưỡng con tàu cũng như sự liên quan giữa tàu và đài chỉ huy.
Ông Tagliapietra bày tỏ quan ngại trước khả năng các nhà chức trách có ý định che giấu thông tin liên quan tới tàu ngầm ARA San Juan, bị mất tích từ ngày 15/11, với 44 thủy thủ.
Thân nhân các thủy thủ cầu nguyện và chờ đợi người thân trở về tại căn cứ hải quân Argentina ở Mar del Plata ngày 22/11. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, Tổng thống Argentina Mauricio Macri tuyên bố ưu tiên hiện tại là tìm ra tàu ngầm mất tích và các thủy thủ, và quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn sẽ chỉ được bắt đầu khi tìm thấy ARA San Juan.
Thẩm phán Yanez cũng đã yêu cầu triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad tới thẩm vấn với tư cách là nhân chứng của vụ tàu ngầm mất tích, đồng thời yêu cầu ông này giải mã các thông tin mật.
Bước đầu, giới chức Argentina xác định nguyên nhân gây nổ trên tàu ngầm ARA San Juan là do khí hydro tích tụ từ một đám cháy. Ắc quy tại đầu tàu chập điện do nước biển tràn qua hệ thống thông hơi gây cháy, tạo nên khí hydro.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đã phát hiện một vụ nổ lớn gần khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Argentina ở Nam Đại Tây Dương, cũng chính là nơi tàu ngầm ARA San Juan mất tích khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, chỉ 3 tiếng sau khi tàu phát tín hiệu lần cuối.
Người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi thừa nhận chỉ huy tàu ARA San Juan đã báo cáo về sự cố chập điện, tuy nhiên, các thủy thủ đã xử lý được vụ việc. Cùng ngày, chuyên gia IAEA Lassina Zerbo cho biết tổ chức này đã cung cấp thông tin cho phép Argentina tập trung tìm kiếm ARA San Juan tại một khu vực thu nhỏ ở xa bờ biển nước Nam Mỹ nhờ phân tích “hai dư chấn bất thường” cùng những dữ liệu của các trạm thủy văn. Theo ông Zerbo, vùng biển tình nghi nơi phát ra tiếng nổ là khu vực nước sâu.
Cũng trong ngày 29/11, ông Balbi thông báo hiện công tác tìm kiếm đang tập trung tại một khu vực chỉ thu hẹp ở diện tích 4.000km2, với độ sâu từ 200 tới 1.000m. Các con tàu tìm kiếm đang di chuyển rất chậm để các đầu dò phát hiện ra nơi tàu ngầm có thể đang bị chìm dưới đại dương. Hiện 68% khu vực này đã được rà soát. Tình hình thời tiết trong những giờ tới sẽ được cải thiện hơn so với những ngày qua.
Trong suốt 2 tuần qua, Hải quân Argentina cùng chuyên gia 18 nước đang tiến hành tìm kiếm ARA San Juan, nhưng chưa có bất kỳ kết quả nào. Tàu ngầm mini của Mỹ có chức năng trục vớt người bị nạn ở độ sâu tối đa 600m đang có mặt tại khu vực tìm kiếm, chờ phát hiện ra nơi tàu ARA San Juan có thể bị chìm để tiến hành công tác cứu hộ.
Theo kế hoạch, đêm ngày 29/11, một tàu ngầm hiện đại của Nga có khả năng lặn sâu tới 1.000m rời cảng Comodoro Rivadavia để di chuyển tới khu vực đang tìm kiếm tham gia công tác cứu nạn. Ngày 5/12 tới, tàu nghiên cứu khoa học “Yantar” của Nga, có thiết bị dò công nghệ cao ở độ sâu lên tới 6.000m, sẽ tới Argentina.
Tàu ARA San Juan, hạ thủy năm 1983, là tàu ngầm mới nhất trong 3 tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu. Dài 65m, ARA San Juan là loại tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke của Đức chế tạo, được trang bị 4 động cơ diesel MTU, 4 máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép nó đạt tốc độ tới 46 km/h khi lặn. Tàu ARA San Juan rời cảng Ushuaia, cực Nam Argentina, ngày 13/11 để trở về căn cứ tại Mar Del Plata và bị mất liên lạc gần cảng Madryn ở Nam Đại Tây Dương.