📞

Telegram bùng nổ: Cán mốc 1 tỷ người dùng trong năm nay

Diệu Linh 18:48 | 19/04/2024
Theo tuyên bố của người sáng lập, ứng dụng nhắn tin Telegram, một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Ukraine và Nga, dự kiến vượt qua mốc 1 tỷ người dùng hàng tháng trong vòng một năm.
Người sáng lập và Giám đốc điều hành của ứng dụng Telegram Pavel Durov. (Nguồn: Reuters)

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Tucker Carlson, ông Pavel Durov-nhà sáng lập Telegram, cho biết ứng dụng đám mây miễn phí có trụ sở tại Dubai cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn, cuộc gọi và các tệp khác. Telegram hiện đang rất phổ biến và được lan rộng nhanh như “cháy rừng”.

“Chúng tôi có thể sẽ vượt qua 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trong vòng một năm tới”, ông Durov khẳng định trong cuộc phỏng vấn video được đăng tải trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter).

Theo ông Durov, mục tiêu của ứng dụng với 900 triệu người dùng này là duy trì một “nền tảng trung lập” và không trở thành “kẻ tham gia vào các vấn đề địa chính trị”. Doanh nhân người Nga này cho biết ông đã rời khỏi Nga vào năm 2014 với lý do chính phủ can thiệp vào công ty do ông sáng lập.

Một trong những đối thủ chính của Telegram là Meta Platforms' (META.O) và ứng dụng WhatsApp có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Vào tháng 3, tờ Financial Times đưa tin Telegram có thể sẽ hướng đến việc niêm yết tại Mỹ sau khi công ty đạt được lợi nhuận.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, Telegram đã trở thành một công cụ hữu ích cho cả hai chính phủ và là nơi đăng tải, truy cập thông tin chưa được kiểm duyệt về giao tranh quân sự.

Hầu hết các phương tiện truyền thông lớn, các cơ quan chính phủ và nhân vật công chúng ở cả Nga và Ukraine đều điều hành các kênh nội dung trên Telegram.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đăng các bài phát biểu video hàng ngày của mình trên ứng dụng Telegram. Lực lượng vũ trang của ông cũng đăng cảnh báo về các cuộc không kích và ghi lại diễn biến trên chiến trường. Việc điện Kremlin công bố các hoạt động của Tổng thống Vladimir Putin, cùng với phe đối lập Nga kêu gọi sự ủng hộ cũng được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội này.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Telegram cũng trở thành một công cụ đưa thông tin sai lệch và thao túng người dùng. Trước tình hình này, vào tháng 3, một dự luật được đệ trình lên quốc hội Ukraine nhằm siết chặt quy định đối với Telegram và các mạng xã hội khác.

Điện Kremlin yêu cầu ông Durov cần cẩn trọng hơn sau khi ứng dụng nhắn tin này bị cáo buộc được sử dụng để chiêu mộ các tay súng khủng bố tấn công phòng hòa nhạc ngoại ô Moscow vào tháng 3.

(theo Reuters)