Tên lửa hành trình 3M14 Kalibr của Nga. (Nguồn: Pravda) |
Đó là ý kiến của ông Stephen Bryen, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm chính sách an ninh Viện Yorktown (Mỹ) nêu ra trong bài viết mới đây cho cổng thông tin Weapons and Strategy.
Nhà phân tích viết: "Lần đầu tiên sau ít nhất 20 năm, Mỹ có kế hoạch xây dựng và lắp đặt 4 hệ thống radar vượt đường chân trời (Over-the-horizon radar, hay OTHR). Đồng thời, Canada có kế hoạch mua thêm 2 hệ thống để triển khai ở vùng Tây Bắc nước này.
Sáu hệ thống được thiết kế để đảm bảo khả năng phát hiện và theo dõi sớm việc phóng tên lửa hành trình tầm xa của Nga và Trung Quốc, mặc dù Mỹ vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng làm thế nào để bắn hạ chúng”.
Trạm radar vượt đường chân trời được thiết kế để giám sát không phận ở khoảng cách lên tới vài nghìn km.
Theo ông Bryen, Mỹ và Canada có thể phải mất nhiều năm mới triển khai được những trạm radar như vậy vì cho đến giờ vẫn chưa xác định rõ nên đặt chúng ở đâu, còn Lầu Năm Góc vẫn chưa quyết định mua chúng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ngay cả sau khi những trạm radar đó được lắp đặt thì Mỹ vẫn phải đối mặt với một “vấn đề lớn” do không có khả năng bắn hạ tên lửa của Nga và Trung Quốc bay vào trong không phận của mình.
Bài báo nhấn mạnh: “Ngoài các vấn đề về phát hiện, Mỹ không có chương trình đối phó với tên lửa hành trình khi chúng bay vào không phận Mỹ. Đây là một vấn đề lớn vì mục tiêu thì có nhiều nhưng hầu như không có các hệ thống để chống lại những mục tiêu có kích cỡ nhỏ và bay thấp”.
Trước đó, ông Tang Jun, phụ trách chuyên mục báo Paper (Trung Quốc) cho biết, việc Nga thử thành công tên lửa hành trình xuyên lục địa Burevestnik dùng năng lượng hạt nhân đang gây lo ngại ở Mỹ và “làm mất tinh thần các đối thủ của Moscow”.