📞

Thả nổi giá xăng dầu: Quyền lợi người tiêu dùng có bị “thả nổi”?

08:52 | 18/09/2008
Kể từ 16/9, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - nhóm “hiếm” – vẫn còn bị Nhà nước “bao giá” cuối cùng cũng được hoàn toàn “thả” ra thị trường sau hơn 1 năm “dự định”. Quyết định này là tin vui cho các nhà kinh doanh xăng dầu vì từ nay họ có toàn quyền định giá bán lẻ. Chính phủ cũng “nhẹ gánh” vì không phải lo bù lỗ mỗi khi giá dầu thế giới “tăng xông”. Băn khoăn duy nhất là quyền lợi của “cột thứ 3” trong bộ ba “Nhà nước- doanh nghiệp và người tiêu dùng” sẽ được đảm bảo ra sao?

 “Nhà nước không phải lo cho DN nữa”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã “thở phào” như vậy khi nói về lợi ích của việc thả nổi giá xăng dầu. Rõ ràng với quyết định hôm 16/9, từ nay ngân sách Nhà nước sẽ “nhẹ gánh” được hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn là trong bối cảnh thị trường mở hiện nay, cho dù Việt Nam có muốn làm “ốc đảo” để Nhà nước tiếp tục “bao cấp” giá xăng dầu cũng không thể được. Kinh nghiệm bao năm bù lỗ xăng dầu chỉ cho thấy, giá cả bị “kìm hãm” như chiếc lò xo bị nén, tất phải “bung” ra. Mà mỗi lần bung là một lần gây xáo trộn xã hội, tác động dây chuyền đột ngột đến nhiều mặt hàng khác.

Rõ ràng, càng trì hoãn càng “níu” xã hội chậm thích nghi với những cơn sóng thị trường. Chưa kế, cơ chế bù lỗ vào giá bán lẻ vẫn còn gây tranh cãi về tính hiệu quả xã hội đối với đa số người dân nhưng chắc chắn đã làm lợi cho nước láng giềng từ nạn xuất lậu xăng dầu qua biên giới (hiện giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn Campuchia từ 1.750 đồng- 7.050 đồng/lít).

Đó chính là lý do ngay từ năm ngoái, Chính phủ đã quyết định “buông” giá bán lẻ xăng dầu với việc ban hành Nghị định 55 cho phép giá bán xăng dầu vận hành theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, do những biến động tăng liên tục của giá xăng dầu, lạm phát trong nước tăng cao nên lộ trình thực hiện giá thị trường đã được tạm gác lại, chỉ đến thời gian gần đây khi thị trường xăng dầu thế giới hạ nhiệt khá lâu, Chính phủ mới triển khai được việc thả nổi giá xăng dầu hoàn toàn.

Với quyết định số 79 về cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu ngày 16/9, mặt hàng này đã được đưa về với vị trí thực của nó, “bình đẳng” tuân theo sự vận hành của thị trường như các mặt hàng khác. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được căn cứ vào giá nhập khẩu, thuế, phí, lợi nhuận để tính toán mức giá cụ thể đến tay người tiêu dùng. Sau 3 ngày đăng ký trước với Liên bộ Tài chính - Công Thương mà không có khúc mắc gì thì sẽ được triển khai giá bán lẻ mới.

Có thể nói giới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đón nhận tin tốt này một cách hồ hởi như được “cởi trói”. Ông Vương Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết “việc giao quyền tự quyết định về giá xăng cho các doanh nghiệp đầu mối là phù hợp và tốt cho doanh nghiệp”. Từ nay, họ sẽ được được kinh doanh đúng nghĩa, toàn quyền quyết định đầu vào, đầu ra, chủ động tính toán thời điểm cũng như lượng hàng cần nhập.

Như vậy, nếu giá xăng dầu có tăng thì Nhà nước không còn phải lo thâm hụt ngân sách, doanh nghiệp chắc chắn không sợ thua lỗ….Ai “lo” cho người tiêu dùng?

Băn khoăn còn lại chính là quyền lợi của trụ cột thứ 3 trong bộ ba “Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng” cùng chia sẻ giá xăng dầu tăng sẽ thế nào?

Chắc chắn, người tiêu dùng phải chấp nhận “gánh” toàn bộ hệ quả của việc “giá thế giới tăng”.

Về vấn đề này, theo ông Tú không đáng ngại vì “mấu chốt vấn đề ở đây là dù có giao cho doanh nghiệp tự định giá nhưng xăng dầu vẫn là mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước bình ổn giá vì vậy, nó vẫn phải vận hành theo sự điều hành của Nhà nước”.

Đó là lý do, đi kèm với quyết định 79 thả nổi giá xăng dầu còn có QĐ 2013 thành lập tổ giám sát liên bộ nhằm cụ thể hóa chủ trương doanh nghiệp tự định giá nhưng có sự giám sát chặt chẽ Chính phủ. Theo đó, tổ giám sát sẽ có nhiệm vụ theo dõi việc điều chỉnh giá xăng dầu của doanh nghiệp theo quy định của Luật Thương mại, tiếp nhận các phương án điều chỉnh giá bán do doanh nghiệp đăng ký trước 3 ngày. Trong trường hợp không có ý kiến phải hồi, doanh nghiệp được quyền triển khai giá bán theo đăng ký. Ngược lại nếu phát hiện các yếu tố bất hợp lý, liên bộ sẽ không chấp nhận giá bán xăng dầu và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.

Tổ cũng chịu trách nhiệm xem xét, phát hiện các yếu tố hợp lý hoặc bất hợp lý và bình ổn giá theo từng thời kỳ. Nếu giá thế giới giảm mà doanh nghiệp không điều chỉnh thì sẽ bị thổi còi hoặc trong trường hợp giá dầu thế giới tăng nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép thì các doanh nghiệp cũng không được phép tăng giá.

Với hai quyết định này, Liên bộ dường như rất tự tin rằng Nhà nước sẽ luôn là người bảo vệ lợi ích của toàn xã hội, trong đó có bộ phận người tiêu dùng.

Nhưng thực tế vẫn còn không ít kẽ hở có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng khi giá xăng dầu được thả nổi.

Thứ nhất là khả năng các doanh nghiệp bắt tay “làm giá”. Thay vì có thị trường xăng dầu nhiều lựa chọn, cạnh tranh nhiều mức giá như mong muốn của liên bộ, người tiêu dùng có nguy cơ phải trả cao cho một mức giá “liên minh” kiểu OPEC. Đây là điều rất dễ xảy ra nếu không được Nhà nước giám sát chặt chẽ vì hiện thị trường do hơn chục doanh nghiệp đầu mối thao túng, tính cạnh tranh không cao.

Trong khi đó, so với Nghị định số 55, Quyết định 79 không khác nhiều về phương thức giám sát đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Chế tài xử phạt với hành vi liên minh tăng giá hay quy định về thời gian cho mỗi lần điều chỉnh cũng không rõ ràng.

Trả lời về băn khoăn này, Thứ trưởng Tú cho biết đã “nếu các doanh nghiệp liên minh làm giá thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật Cạnh tranh”. Tuy nhiên, luật này đang bị coi là một trong số luật ít phát huy hiệu quả trong đời sống nhất. Mặt khác, quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam xưa nay vốn ít được coi trọng thỏa đáng do thiếu chế tài cũng như thiếu đối trọng là các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Kết quả thanh tra gian lận xăng dầu công bố hôm 16/9 vừa qua là một minh chứng rất rõ cho điều đó. Khung chế tài quá nhẹ và thiếu rõ ràng, chưa đủ sức răn đe.

Thứ hai, do đặc thù hệ thống phân phối nên sẽ có lúc người tiêu dùng không còn sự lựa chọn nào khác. Ví như Petrolimex – với hệ thống đại lý ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở những nơi khó khăn hầu như chỉ có Petrolimex thì như chính ông Tú thừa nhận “nếu anh bán giá cao thì người ta vẫn phải mua”. Rõ ràng với những trường hợp này thì sức ép thị trường hay sự cạnh tranh cũng không thể tác động gì.

Tuy nhiên, ông Tú trấn an là “không có vấn đề gì đáng lo cả vì Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhà nước sẽ có điều chỉnh làm định hướng cho các doanh nghiệp khác”. Ông Tú cũng đảm bảo, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cảnh cáo các doanh nghiệp không chịu giảm giá, thông tin cho thị trường biết mức giá như thế nào là hợp lý.

Phía nhà quản lý là vậy nhưng thực tế khi trả lời phóng viên, các doanh nghiệp đều chưa biết khi nào sẽ “tiệm cận” giá thế giới dù việc “lên - xuống’ theo thị trường thế giới đã triển khai. Ông Vương Đình Dung, Giám đốc Công ty xăng dầu Quân đội cho biết, với giá bán lẻ hiện nay, xăng dầu bắt đầu có lãi, nhưng chỉ lãi khoảng vài trăm đồng/lít xăng. Ngay cả khi dầu thô tiếp tục giữ giá dưới mức 100 USD/thùng trong vòng 1- 2 tháng tới doanh nghiệp cũng chưa thể tính đến việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Như vậy, chừng nào chính trong ngành xăng dầu chưa có sự cạnh tranh thì sẽ khó kỳ vọng sẽ có nhiều mức giá cạnh tranh. Quyền lợi người tiêu dùng có bị “thả nối’ theo giá xằng dầu không vẫn còn là câu hỏi chờ thị trường trả lời.Theo VieTimes