Sumatra (Indonesia) từng rung chuyển bởi trận động đất lên tới 9,1 độ Richter |
Biết thời điểm NÚI LỬA phun trào
Bề mặt quả địa cầu có khoảng 1.500 núi lửa được xác định, trong đó có 60 núi lửa hoạt động hàng năm. Núi lửa phun trào ở Martinique ngày 8/5/1902 đã san phẳng TP. Saint Pierre, cuốn theo 30.000 sinh mạng của người dân trên đảo. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho ra đời các thiết bị phát hiện sự biến dạng của vỏ Trái đất, một trong những dấu hiệu báo trước sự phun trào của núi lửa. Để đo sự biến đổi này, các nhà khoa học sử dụng các thiết bị dùng tia hồng ngoại và máy kinh vĩ, được đặt ở khu vực núi lửa. Ngoài ra, còn có thiết bị nữa là từ khuynh kế, có khả năng ghi lại sự thay đổi của sườn núi lửa theo áp lực của mắc-ma. Các nhà khoa học cũng có thể dùng phương pháp xác định nhiệt độ, lưu lượng và cấu tạo của các chất khí được phun ra từ miệng núi lửa hoặc từ các vết nứt gãy.
Ngày nay, con người có thể biết chính xác tới từng ngày sẽ diễn ra sự phun trào của các núi lửa đã được xác định vị trí, điều mà trước đây là không tưởng.
ĐỘNG ĐẤT luôn bí ẩn
Các châu lục và các đại dương đều nằm trên những khối địa chất di động, những khối này có lúc di chuyển và va chạm vào nhau gây động đất. Kobe, San Francisco và Bam (Iran), Sumatra (Indonesia) và gần đây nhất là Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến nhân loại bàng hoàng trước mức độ tàn phá của mỗi lần Trái đất “cựa mình”.
Thảm họa sóng thần tại Sumatra tháng 12/2004 là hậu quả của trận động đất. Kể từ đó, các vết nứt địa chất trước động đất được đặc biệt chú ý. Hiện vết nứt gãy ở San Andreas (California) đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Từ hai năm nay, vệ tinh siêu nhỏ demeter đặt ở độ cao 710km đã cung cấp nhiều thông tin về siêu từ trường cũng như biến động của tầng điện ly, cho phép các nhà khoa học xây dựng cơ sở lý thuyết và mô hình sơ đồ biến động của vỏ địa chất. Tuy nhiên, khoa học đến nay mới chỉ có thể đo được cường độ động đất cũng như định vị vùng động đất khi đã xảy ra. Việc làm sao biết trước dài hạn và chính xác về sự dịch chuyển của các khối địa chất gây động đất vẫn là một thách thức lớn.
Trước mắt, các nhà địa chấn học dự báo có một trận động đất 6,7 độ richter sẽ xảy ra tại California vào năm... 2038.
Dò tìm SÓNG THẦN từ lòng biển
Tháng 12/2004 đánh dấu một trong những thảm họa lớn nhất của loài người kể từ nhiều thập kỷ qua. Một trận động đất trên diện rộng bên bờ biển Sumatra đã gây cơn sóng thần khổng lồ tàn phá khu vực bờ biển Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ và Malpes. Gần 230.000 người chết và hàng triệu người mất nhà cửa. Hai tiếng sau trận động đất 9,1 độ richter gần đảo Sumatra ở Ấn Độ Dương, các vệ tinh Jason-1 và hai vệ tinh Topex/Poséidon và Envisat đã ghi lại sự dâng cao của mực nước biển và sự lan truyền của sóng gây sóng thần. Nói cách khác, sóng thần là do trận động đất dưới đáy biển gây ra. Các nhà khoa học đã sử dụng địa chấn kế được đặt dưới đặt sâu dưới nước ở những khu vực có nguy cơ xảy ra động đất cao như vùng Thái Bình Dương gọi là OBS. Thiết bị gửi dữ liệu mà nó thu được về trung tâm đặt ở Honolulu (Hawai) qua vệ tinh GOES.
Là nước có nhiều nguy cơ xảy ra sóng thần, Nhật Bản đã phát triển hệ thống OBS đặt ở độ sâu ở 200m và 4.000m. Sự thay đổi áp lực nước dù là nhỏ nhất sẽ được ghi lại và truyền qua đường cáp đến Trung tâm cảnh báo sóng thần của nước này.
SÓNG LỪNG - “quái vật nước”
Từ giữa mặt biển phẳng lặng, trời quang mây tạnh, bất ngờ dựng lên một bức tường nước khổng lồ, đổ sụp xuống và tan biến... Theo thống kê của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong hai thập niên gần đây, có khoảng 200 chiếc tàu biển bị sóng lừng nhấn chìm, trong đó có 22 con tàu khổng lồ được cho là “không thể đánh chìm”. Những con “quái vật nước” có thể đạt tới độ cao 30-40m hoành hành trên một vùng biển rộng lớn. Xuất hiện trong nhiều câu chuyện kể của các thủy thủ với khả năng nghiền nát tàu chở hàng hoặc bẻ đôi tàu thủy loại lớn, sóng lừng còn được cho là nguyên nhân gây ra sự biến mất bí ẩn của nhiều tàu thuyền ở vùng tam giác quỷ Bermuda, quần đảo nằm ở phía Tây Đại Tây Dương.
Khác với sóng thần, sóng lừng thường xuất hiện giữa vùng biển lặng, bất ngờ đến và tan biến ngay, nhưng có sức công phá khủng khiếp. Các nhà khoa học chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng cho câu hỏi “sóng lừng đến từ đâu?”. Có giả thiết là các con sóng này tích trữ một năng lượng khổng lồ theo chiều thẳng đứng. Nhưng nguồn năng lượng này đến từ đâu? Các nhà khoa học đã tạo ra những con sóng nhân tạo trong bồn địa và kết quả là, các con sóng nhỏ tương tác với nhau liên tiếp cũng có thể tạo ra một con sóng lớn bất thường.
Châu Âu đã thực hiện chương trình Bản đồ sóng kể từ tháng 12/2000 để xác định số lượng thực của con sóng tại các vùng biển có nhiều nguy cơ. Còn vệ tinh radar ERS-2 của ESA chụp ảnh các đại dương. Căn cứ vào đó, Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức thực hiện một bản đồ sóng lừng. Trong vòng 3 tuần, vệ tinh đã phát hiện không dưới 10 con sóng khổng lồ cao 25m. Rõ ràng, hiện tượng sóng lừng không phải là hiếm và giới nghiên cứu đang hy vọng dựng được một mô hình tương tự cho phép cảnh báo sự xuất hiện của các cột sóng khổng lồ.
Đo được mức độ của BÃO
Con người hoàn toàn có thể dự đoán sớm sức gió, nơi xảy ra để có thể báo động nhanh nhất những vùng bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học đã sử dụng radar Doppler có khả năng ghi lại tốc độ của gió với độ chính xác cao. Thậm chí các nhà khoa học Mỹ còn mạo hiểm xâm nhập vào vùng tâm bão nơi có vận tốc gió trung bình 300km/h nhờ loại máy bay đặc biệt WC-130 và sử dụng rất nhiều dụng cụ cho phép đo nhiệt độ bên ngoài, áp suất không khí, xoáy lốc, tính chất của những đám mây...
Cuối mùa Hè, nước ở các vùng biển nhiệt đới có nhiệt độ ở vào khoảng 26-28 độ C dưới độ sâu 50m và đó là nguyên nhân sinh ra bão. Những cơn giông đến từ vùng Đại Tây Dương chứa nhiều năng lượng tích trữ trong nước sẽ làm bay hơi khối nước nóng ở vùng biển này. Trái Đất quay làm các đám mây này quay theo và càng ngày càng mạnh lên, trong đó có một vùng yên tĩnh, đó là mắt bão. Mắt bão tập hợp quanh mình một vùng rộng lớn bao gồm các đám mây gây ra những cơn gió dữ dội.
Linh Đan
(tổng hợp)