📞

Thái Bình bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư

09:37 | 08/03/2024
Nhờ đón bắt xu thế hội nhập cùng với cách làm hiệu quả, những năm gần đây Thái Bình đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, trở thành điểm đến tin cậy và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Cụm công nghiệp Đô Lương (Đông Hưng). (Ảnh: Khắc Duẩn)

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn

Để đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh, Thái Bình đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh và Tổ công tác xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc - Korea Desk Thái Bình.

Năm 2023, tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; 3 tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án điện khí LNG; đồng thời, tổ chức đoàn công tác của tỉnh làm việc với 5 huyện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh, Thái Bình đã quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Bình ngày càng thuận lợi, hấp dẫn tạo thuận lợi giúp cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả và thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến hợp tác cùng phát triển.

Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PCI; đồng thời, UBND tỉnh triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố - DDCI nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước cùng xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thiết thực giúp cộng đồng DN phát triển. Hai năm liên tiếp, Thái Bình thành lập mới hơn 1.000 DN/năm.

Không chỉ chú trọng xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh còn từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài tại Thái Bình.

Ông Kuo, Ming - Tung, Chủ tịch Công ty Pegavision Corporation cho biết: "Chúng tôi đầu tư dự án nhà máy Pegavision Việt Nam tại khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái (Thái Thụy) chuyên sản xuất kính áp tròng phục vụ ngành y tế với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Nhà máy có công suất thiết kế 600 triệu sản phẩm/năm, dự kiến doanh thu khoảng 2.800 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 86 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 1.140 lao động.

Chúng tôi quyết định đặt nhà máy tại Thái Bình bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là nhận thấy những lợi thế về mặt bằng sạch sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng tốt, hệ thống giao thông kết nối, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hấp dẫn và thủ tục đầu tư thông thoáng".

Đón làn sóng đầu tư

KCN Liên Hà Thái là KCN đầu tiên được xây dựng trong Khu kinh tế Thái Bình, có diện tích sử dụng đất gần 600ha.

Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái) chia sẻ, khi đầu tư KCN Liên Hà Thái, điều lo lắng nhất của chúng tôi là công tác giải phóng mặt bằng với diện tích lớn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân của các địa phương.

"Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai dự án, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, nhất là sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Các tầng lớp nhân dân trong vùng dự án cũng rất ủng hộ, đồng thuận không chỉ trong công tác giải phóng mặt bằng mà còn bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi triển khai dự án với tiến độ rất nhanh.

Công tác thu hút đầu tư cũng được các cấp trong tỉnh đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm. Chính vì thế, đến nay Thái Bình đang trở thành một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư bởi hội tụ đủ những điều kiện để phát triển thành một trung tâm công nghiệp mới của miền Bắc Việt Nam như vị trí địa lý thuận lợi; cơ chế ưu đãi thuế của Khu kinh tế; cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông đang được đầu tư đồng bộ; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; bộ máy chính quyền năng động, điều hành hiệu quả, tích cực cải tiến trong mọi thủ tục đầu tư", ông nói.

Thời gian qua, mặc dù có nhiều bất lợi do tác động của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế nhưng vẫn có nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước lựa chọn KCN Liên Hà Thái để đầu tư những dự án quy mô lớn. Đến nay, KCN đã thu hút được 14 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, từ đó góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó phải kể đến Công ty Pegavision Corporation sản xuất kính áp tròng, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Công ty TNHH Lotes Việt Nam sản xuất chân cắm ram, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD; Công ty TNHH Compal Electronic sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD; Công ty TNHH Greenworks Việt Nam sản xuất thiết bị làm vườn, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD...

Không chỉ có KCN Liên Hà Thái, tại 9 KCN và 49 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện đầu tư. Năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt gần 98.300 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2022; trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng - gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và xếp thứ 5 toàn quốc về vốn thu hút vốn FDI.

Riêng Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh, trong năm 2023 đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 62 dự án với số vốn đăng ký đầu tư tăng thêm hơn 19.200 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm gần 18.400 tỷ đồng, vốn FDI đạt hơn 2,7 tỷ USD. Không chỉ dừng lại ở đó, niềm vui như được nhân lên khi ngay từ những ngày đầu xuân Giáp Thìn đã có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản do Trung tâm quảng bá Kyushu kết nối đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh.

Tiếp nối những thành công đó, để tiếp tục bứt phá trong thu hút đầu tư, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023), 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển cộng đồng DN.

Cụ thể hóa Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 5/3/2024, Thái Bình tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình, trong đó có trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với một số nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Đến ngày 21/2/2024, toàn tỉnh Thái Bình chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt hơn 3.400 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 120 triệu USD.

Tỉnh thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hơn 150 doanh nghiệp, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023 với số vốn đăng ký đạt gần 1.700 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023 và 73 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2023.

(theo Báo Thái Bình)