Phòng họp của Quốc hội Thái Lan, nơi dự kiến sẽ tổ chức bầu lãnh đạo Hạ viện và Thủ tướng trong tháng Bảy tới. (Nguồn: AFP) |
Ngày 29/6, Tổng thư ký Hạ viện Thái Lan Pornpit Petchcharoen đã gửi thư mời tới tất cả các nghị sĩ mới bầu và các thượng nghị sĩ tham dự lễ khai mạc quốc hội khóa mới ngày 3/7, dưới sự chủ trì của Nhà vua Vajiralongkorn và Hoàng hậu.
Ban thư ký Hạ viện cũng đề nghị các nghị sĩ tham dự phiên họp đầu tiên của Hạ viện vào ngày hôm sau để bầu chọn Chủ tịch Hạ viện mới cùng hai Phó Chủ tịch.
Về phần mình, Phó Thủ tướng tạm quyền Wissanu Krea-ngam khẳng định các vị trí này phải được chọn trong 10 ngày kể từ ngày khai mạc Quốc hội hoặc trước ngày 13/7, thời điểm dự kiến bầu thủ tướng.
Theo ông, không nên kéo dài việc lựa chọn Chủ tịch Hạ viện mới bởi vị trí này chỉ cần sự ủng hộ của đa số ở Hạ viện. Trong khi đó, vị trí Thủ tướng sẽ cần sự ủng hộ của cả lưỡng viện Quốc hội.
Cho đến nay, hai đảng giành được nhiều ghế nghị sĩ nhất trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 vừa qua là đảng Tiến bước (MFP, 151 ghế) và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai, 141 ghế) vẫn chưa thống nhất với nhau về người đảng nào sẽ làm Chủ tịch Hạ viện.
Trong khi đó, vị trí thủ tướng vẫn còn rủi ro khi ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo MFP, cần tập hợp ít nhất 376/750 phiếu ngày 13/7 tới. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản bởi theo Hiến pháp sửa đổi năm 2017, tất cả 250 thượng nghị sĩ đều do Quân đội Thái Lan bổ nhiệm.
Lực lượng này và MFP từng bất đồng sâu sắc về Luật Khi quân, quy định trừng phạt các cá nhân có hành vi được cho là xúc phạm chế độ quân chủ. Các đảng trong liên minh giữa MFP và Pheu Thai cũng được cho là đang tìm phương án dự phòng trong trường hợp ông Pita Limjaroenrat không giành đủ số phiếu cần thiết trong phiên họp ngày 13/7 tới.
Tuy nhiên, phát biểu ngày 27/6, chính trị gia MFP tự tin khẳng định có “đủ” sự ủng hộ từ Thượng viện để trở thành thủ tướng Thái Lan.