📞

Thái Lan: Câu được cá da trơn khổng lồ, nặng gần 200kg, dài hơn 2m

09:44 | 22/12/2022
Tranh thủ trong một kỳ nghỉ ở Thái Lan, cần thủ người Scotland đã may mắn câu được con cá da trơn khổng lồ với trọng lượng gần 200kg. Sau đó, nó được thả lại môi trường sống.
Con cá tra dầu câu được nặng gần 200kg và dài hơn 2m. (Nguồn: Daily Mail)

Trong chuyến du lịch tới bãi câu cá Palm Tree Lagoon Fishery ở Thái Lan gần đây, du khách Dean McEwan, 36 tuổi, đến từ Renfrewshire, Scotland, vô cùng sửng sốt khi "tóm sống" được con cá da trơn khổng lồ.

Cần thủ này cho biết, anh loay hoay suốt khoảng một tiếng rưỡi mới kéo được con vật lên. Sau đó, Dean phải nhờ sự trợ giúp của những người khác, đưa con cá vào lưới để cân đo trọng lượng.

Kết quả, sinh vật nặng gần 200kg, dài hơn 2m, trong tình trạng sức khỏe ổn định. Sau đó, con vật lại được thả xuống môi trường sống.

"Khi cảm nhận được sức mạnh của nó, bạn sẽ hiểu tại sao người ta lại mệnh danh chúng là loài cá nước ngọt mạnh nhất thế giới.

Tôi từng bắt vài con cá da trơn cỡ lớn, nên có kinh nghiệm khi biết sắp bắt được sinh vật này", anh Dean chia sẻ.

Dù chưa có kỷ lục chính thức nào về con cá da trơn lớn nhất mà một cần thủ người Anh câu được ở Thái Lan, nhưng nỗ lực của Dean được ghi nhận.

Ông Tim Webb, người điều hành khu câu cá, nhận định "đây là con cá da trơn lớn nhất trong hồ và có lẽ là ở Thái Lan".

Cá tra dầu là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Theo sách kỷ lục Guinness, một cá thể dài 2,7m, nặng hơn 293kg từng bị bắt ở miền Bắc Thái Lan vào năm 2005.

Cá tra dầu nằm trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) trong danh mục "cực kỳ nguy cấp" kể từ năm 2003.

Loài cá này có đầu to và dẹp, miệng rộng với 2 râu dài ở hàm trên, vây bụng dài tới vây đuôi còn vây lưng nhỏ ở phía trước. Lưng cá có màu nâu thẫm, màu ở vụng và vây nhạt hơn.

Dù có kích thước lớn nhưng sinh vật này chỉ ăn các loại thực vật thủy sinh.

Trong các nước ở hạ lưu sông Mekong (Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam), cá tra dầu bị săn bắt nhiều nên số lượng loài này trong tự nhiên đang giảm đi đáng kể. Lào đã có lệnh cấm săn bắt loài cá này. Campuchia và Thái Lan có các biện pháp tương tự.

Được biết, giới khoa học chỉ bắt đầu biết tới loài cá này từ năm 1930 khi nó được "khám phá" tình cờ ở chợ cá tại Phnom Penh (Campuchia).

Đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về chúng.

(theo Dân trí)