Nhỏ Bình thường Lớn

Thái Lan khôi phục lại bức tượng tại hiện trường vụ nổ bom

Ngày 4/9, nhà chức trách Thái Lan hoàn tất việc khôi phục bức tượng tại đền thờ Erawan Shrine ở Bangkok. Đây được coi là nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm tăng cường lòng tin giữa các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng người Bangkok, sau gần 3 tuần kể từ vụ đánh bom tại đây khiến 20 người thiệt mạng.
Bức tượng thần Brahma tại đền Erawan Shrine được phục hồi lại sau vụ nổ bom. (Nguồn: AP)

Tại buổi lễ ra mắt bức tượng, Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Vira Rojpojchanarat tuyên bố: “Vấn đề quan trọng nhất đối với hình ảnh đất nước này là khôi phục lại niềm tin về sự an toàn. Khôi phục lại các bức tượng là khôi phục lại niềm tin và cổ vũ tinh thần cho người Thái cũng như khách du lịch đến Thái Lan”.

Cục Mỹ thuật, thuộc Bộ Văn hóa Thái Lan, đã sửa chữa 12 phần trên bức tượng vàng lấp lánh tại ngôi đền thờ thần Brahma - tượng trưng cho vị thần Sáng tạo của đạo Hindu. Bức tượng đã bị hư hại nặng sau vụ nổ bom hôm 17/8, đặc biệt ở phần đầu với bốn khuôn mặt và phần cằm bị vỡ.

Ngoài ra, ông Vira cũng khẳng định, thủ phạm vụ đánh bom sớm muộn cũng sẽ phải đền tội. “Lực lượng cảnh sát và an ninh quốc gia đang nỗ lực từng ngày để điều tra vụ việc”, ông nói.

Trong tuần qua, cảnh sát đã bắt giữ 2 người và xác định hơn 7 người tình nghi liên quan đến vụ nổ bom ngày 17/8, khiến 20 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương.

Cảnh sát Thái Lan cho biết, ít nhất 2 trong số 9 nghi phạm là người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Bangkok tuyên bố chưa có xác nhận chính thức từ phía chính quyền Thái Lan về quốc tịch của các nghi phạm.

Qua những chứng cứ mới, một số chuyên gia nghi ngờ vụ đánh bom có thể là cuộc tấn công trả thù việc chính quyền Thái Lan trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng Bảy vừa qua.

Nhà phân tích an ninh Anthony Davis nhận định: “Tất cả các chứng cứ cho tới nay đều chỉ ra rằng, hai nhóm liên quan tới vụ đánh bom đó đều có chung gốc gác, cụ thể là gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không rõ liệu tất cả có phải là người Duy Ngô Nhĩ hay chỉ một số người là công dân Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Tuy nhiên, chúng tôi biết người Duy Ngô Nhĩ là mấu chốt của toàn bộ thảm kịch này”.

Giám đốc nghiên cứu tại Viện các vấn đề Đông Nam Á ở Chiang Mai, ông Paul Chambers cũng cho rằng, sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ trong vụ đánh bom giữa Bangkok vừa qua có thể là một mô hình hoàn toàn mới của chủ nghĩa khủng bố.

Huyền Trâm (theo AP)