Với tiêu đề "Di cư tìm cơ hội", báo cáo cho biết tình trạng di cư nội khối ASEAN đã tăng đáng kể trong giai đoạn 1995-2015 và biến Thái Lan, Malaysia và Singapore trở thành trung tâm di cư trong khu vực với 6,5 triệu người lao động di cư, chiếm 96% tổng số lao động di cư trong khối.
Ngành thủy sản của Thái Lan phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài từ các nước láng giềng nghèo. (Nguồn: Reuters) |
Trong đó, Thái Lan đã nhận 3,75 triệu người di cư đến từ Myanmar, Lào và Campuchia; Malaysia tiếp nhận 1,48 triệu người di cư, phần lớn là từ Indonesia và Myanmar trong khi Singapore là điểm đến của 1,28 người di cư chủ yếu từ Malaysia và Indonesia.
Theo báo cáo, những đối tượng lao động tay nghề thấp và ít được thống kê trong khu vực thường sang các nước khác tìm kiếm cơ hội việc làm trong các ngành như xây dựng, trồng trọt, làm việc tại gia. Mặc dù cũng có nhiều công việc được trả lương cao hơn nhưng người lao động di cư thường không nắm bắt được các cơ hội này.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thực hiện một số biện pháp nhằm tạo điều kiện cho lao động di chuyển trong khu vực, nhưng các quy định thường chỉ điều chỉnh một số ngành, nghề có kỹ năng như bác sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, nhân viên du lịch - chỉ chiếm khoảng 5% số việc làm trong khu vực.
Theo nhà kinh tế trưởng WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Sudhir Shetty, nếu có chính sách đúng đắn, các nước có lao động xuất khẩu sẽ thu được lợi ích kinh tế trong khi vẫn bảo vệ được lao động của mình ở nước ngoài.
Trong khi đó, các nước tiếp nhận lao động di cư nếu có sự phối hợp tốt chính sách nhập cư với chính sách kinh tế, có thể bù đắp được tình trạng thiếu hụt nhân công và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chuyên gia Shetty nhấn mạnh, khu vực này sẽ bỏ lỡ cơ hội hưởng lợi toàn diện từ lao động di cư nếu các chính sách không phù hợp và các thể chế hoạt động không hiệu quả.