Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok. (Nguồn: Reuters) |
Ở Thái Lan vừa rồi có hai sự kiện mới nhưng rồi thực chất kết quả lại vẫn như cũ.
Một là trận thi đấu bóng đá giữa đội tuyển quốc gia Thái Lan và đội tuyển quốc gia Việt Nam. Kết quả là đội Thái Lan vẫn thua đội Việt Nam. Kẻ ở vị trí thứ hai trong thứ tự xếp hạng vẫn chưa thể ngoi lên được vị trí thứ nhất.
Hai là lưỡng viện lập pháp ở đất nước này bầu thủ tướng chính phủ mới sau cuộc bầu cử hạ viện ngày 24/3 vừa qua. Cuộc bầu cử này chưa diễn ra, thiên hạ đã biết chắc thủ tướng chính phủ mới của Thái Lan sẽ vẫn là thủ tướng chính quyền đương nhiệm, tướng Prayuth Chan-ocha. Người này cách đây 5 năm đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền dân sự dân cử và nắm quyền từ đó đến nay ở xứ Thái. Thái Lan có quốc hội mới chỉ trong chừng mực 500 vị dân biểu ở hạ viện được dân bầu thôi, chứ 250 thành viên của thượng viện không phải do dân bầu ra mà do giới quân sự cử ra. Mới rồi, lần đầu tiên kể từ năm 2011, cử tri xứ Thái lại đi bầu cử quốc hội nhưng dẫu có muốn cũng rất khó có thể thay đổi được chính phủ và phế truất được ông Prayuth.
Chính quyền của ông Prayuth đã thiết kế hiến pháp mới và cuộc bầu cử hạ viện này theo hướng quyền lực của giới quân sự không hề bị suy xuyển, ông Prayuth vẫn yên ổn tại vị và phe cánh của anh em nhà Shiwanatra không còn cơ hội có thể trở lại cầm quyền.
Theo Hiến pháp hiện tại ở Thái Lan, thủ tướng không phải do hạ viện bầu, tức là không phải phe cánh chính trị nào giành về được hơn 250 ghế ở hạ viện trong cuộc bầu cử vừa rồi là trở thành phe cầm quyền và cử người của mình vào cương vị thủ tướng, mà thủ tướng do cả thượng viện và hạ viện bầu. Chưa bầu cử, phe của ông Prayuth đã có 250 phiếu, nên chỉ cần thêm 126 phiếu trong hạ viện là đủ để cầm quyền. Trong hạ viện hiện tại có tới 27 đảng hiện diện và 11 trong số ấy chỉ có mỗi một dân biểu. Cơ cấu hạ viện xé lẻ như thế giúp phe cánh của ông Prayuth dễ dàng tập hợp lực lượng thành liên minh cầm quyền, cho dù phe này chỉ lớn thứ hai chứ không phải thứ nhất trong hạ viện. Cho nên mới nói là xứ Thái có quốc hội mới, thủ tướng mới và chính phủ mới, nhưng trên thực tế và trong thực chất nơi ấy chưa thấy gì mới.
Chủ yếu vì ba lý do sau đây.
Thứ nhất, ông Prayuth cầm quyền ở Thái Lan cho tới nay đã 5 năm và thành quả cầm quyền đáng kể nhất là vãn hồi được an ninh xã hội và ổn định chính trị tương đối. Thái Lan trong thời gian vừa qua không còn hỗn loạn về chính trị và xã hội như thời kỳ trước đó. Ông Prayuth củng cố được vị thế và nền tảng của quyền lực cho giới quân sự, nhưng vẫn không thấy đưa ra được chiến lược hay chương trình, kế hoạch hay biện pháp chính sách cụ thể cho giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho xứ này và cho phát triển tương lai của đất nước. Cương lĩnh vận động tranh cử của ông Prayuth mờ ảo đến mức tạo cảm nhận chung là phe cánh cầm quyền chủ trương cứ như thế đã rồi tính tiếp và đến đâu hay đến đó.
Thứ hai, cả kết quả cuộc bầu cử hạ viện lẫn kết quả bầu thủ tướng - mà ông Prayuth đã thắng - đều cho thấy sự phân cực trên chính trường Thái Lan vẫn rất trầm trọng và sự phân hoá trong nội bộ xã hội xứ này vẫn rất sâu sắc. Tình trạng ấy đều chưa được khắc phục với hiến pháp mới và cuộc bầu cử hạ viện vừa qua. Tức là có thể nói rằng ông Prayuth với 5 năm cầm quyền và với hiến pháp mới, quốc hội mới đã xử lý được những biểu hiện ra bên ngoài của căn bệnh trầm kha ở Thái Lan chứ chưa khắc phục được tận gốc rễ căn bệnh ấy là sự phân hoá kia, phân hoá giữa các giai tầng trong xã hội, giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong đất nước. Ông Prayuth chưa thấy đưa ra được, chắc vì đến nay vẫn chưa có được ý tưởng giải pháp cho tất cả những vấn đề ấy.
Thứ ba, biển lặng không có nghĩa là không có sóng ngầm, gió lặng bão dừng không có nghĩa là dông tố không tái phát. Ở Thái Lan vẫn âm ỷ những căng thẳng và xung khắc chính trị xã hội lâu nay mà nếu chính thể của ông Prayuth cứ duy trì chính sách cầm quyền như lâu nay thì sẽ không dập tắt hoàn toàn được.
Bởi thế, Thái Lan rồi đây sẽ như thế nào phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào việc ông Prayuth và phe cánh tận dụng những diễn biến mới này làm cơ hội để mở ra thời kỳ thật sự mới cho Thái Lan. Điều cũng có thể chắc chắn được rằng chính phủ mới của ông Prayuth cần còn không ít thời gian và sự khôn khéo để cải thiện quan hệ với các nước Phương Tây - nếu người này thật sự quan tâm tới và dành ưu tiên nhất định cho việc ấy.