📞

Thái Lan - Ổn định để tăng trưởng

10:52 | 25/07/2014
Bất ổn kéo dài khiến kinh tế Thái Lan chịu thiệt hại nghiêm trọng. Sau cuộc đảo chính ngày 22/5, chính quyền quân đội đã tiến hành một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng tuy tín hiệu phục hồi còn khá mong manh.

Chính quyền mới thúc đẩy việc trả tiền còn nợ cho nông dân trồng lúa gạo, đầu tư vào các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và quản lý nước. Quân đội chi 75 tỷ USD cho các dự án xây dựng đường sắt và đường cao tốc và ngừng thi công các dự án từ thời chính phủ trước. Đây là một bước đi thể hiện quan điểm đấu tranh chống tham nhũng cũng như tái cơ cấu hội đồng các doanh nghiệp nhà nước của chính quyền quân đội. Chính quyền mới dự kiến tăng thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều cơ quan kinh tế, những biện pháp này khó có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Theo thống kê của Ngân hàng Thái Lan, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu tháng 5 đạt 19,3 tỷ USD, giảm 1,2%, nhập khẩu là 17,6 tỷ USD, giảm 7,7%. Đây là kết quả của việc giá đường và cao su giảm mạnh trong khi ngành sản xuất tôm bị thiệt hại nặng vì đợt nhiễm khuẩn từ cuối 2012.

Hồi tháng 6, chính quyền gỡ bỏ lệnh giới nghiêm để kích cầu du lịch, tuy nhiên lượng khách du lịch vào Thái Lan tiếp tục giảm 37% trong tháng 6. Du lịch là một trong những ngành quan trọng nhất, đóng góp 9% cho nền kinh tế nước này. Do đó, theo Nomura, một công ty tài chính của Nhật, kinh tế Thái Lan sẽ khó phục hồi nếu không thể củng cố ngành dịch vụ này.

Bên cạnh đó, Thái Lan còn gặp nhiều áp lực kinh tế từ nước ngoài. Mỹ và EU vốn phản đối việc đảo chính quân sự nên đã cắt giảm quan hệ với Thái Lan, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản và may mặc tới hai thị trường lớn này. Các nhà đầu tư cũng sẽ dè dặt hơn khi đổ tiền vào các dự án tại Thái Lan. Chưa kể, bê bối về việc sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành sản xuất tôm tại Thái Lan khiến nước này bị hạ xuống mức 3 trong danh sách các trung tâm tồi tệ nhất về nạn buôn người và phải đối mặt với nguy cơ cấm vận từ Mỹ.

Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục quốc tế ủng hộ quân đội nắm chính quyền, Tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cho rằng Thái Lan vẫn cần phải đẩy nhanh tiến trình cải cách đất nước. Rõ ràng điểm cốt yếu kéo tụt kinh tế Thái Lan là bất ổn chính trị kéo dài và do đó, không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền quân sự nhằm chấm dứt tình trạng đó và cải thiện môi trường kinh tế. Người dân Thái Lan đã bắt đầu tỏ ra lạc quan hơn khi chỉ số tín nhiệm tiêu dùng đã tăng nhẹ lên 75,1 sau khi hạ còn 67,8, mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua vào tháng 4/2014.

Nhưng để thực sự khôi phục nền kinh tế Thái Lan trở lại thời hoàng kim, chính quyền quân đội Thái Lan sẽ phải đưa ra các giải pháp khôn ngoan hơn để giải quyết các mâu thuẫn kinh tế và chính trị hiện tại ở trong nước và quốc tế. Các biện pháp này phải được dân chúng cũng như cộng đồng quốc tế ủng hộ thì mới có thể kích cầu tăng trưởng và lấy lại lòng tin từ các nhà đầu tư nước ngoài.

ANH THƯ