Phó Chủ tịch đảng Pheu Thai Sutin Klungsang (ảnh), người từng làm giáo viên, có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post) |
Ngày 28/8, trang Thai PBS World cho biết đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã quyết định đề cử một trong những phó lãnh đạo của đảng này Sutin Klungsang, làm bộ trưởng quốc phòng của chính phủ mới.
Ông Sutin là một chính trị gia kỳ cựu của đảng Pheu Thai. Trước đó, ông dự kiến được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục vì ông từng là một giáo viên trước khi bước vào chính trường.
Chính trị gia này được coi là người ôn hòa về mặt chính trị nên được quân đội chấp nhận ở vị trí mới.
Ông Sutin không phải là người đầu tiên không thuộc lực lượng vũ trang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan.
Trước đó, các cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Samak Sundaravej và Chuan Leekpai cũng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng dù không xuất thân từ lực lượng vũ trang.
Cùng lúc, ông Srettha Thavisin cũng hạ thấp kỳ vọng rằng sẽ không có bất kỳ cuộc “cải cách triệt để” nào đối với quân đội dưới chính quyền mới của ông.
Trả lời báo giới về kế hoạch cải tổ lực lượng vũ trang của chính phủ mới, ông Srettha cho biết: “Như tôi đã nói từ lâu, tôi không thích từ ‘cải cách’. Ưu tiên của tôi là chúng ta cùng nhau (quân đội) phát triển”.
Pheu Thai là một trong những đảng chính trị đưa cải cách quân đội thành chính sách nền tảng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Đảng này đề xuất cắt giảm quy mô lực lượng vũ trang và áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc mua lại vũ khí.
Tuy nhiên, các nguồn tin ở Pheu Thai cho biết ông Srettha đang chịu áp lực từ các thành viên phe “áo đỏ” trong việc loại Tướng Nattaphon Narkphanit, cựu Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, khỏi danh sách ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng.
Tướng Nattaphon, người được Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha ủng hộ mạnh mẽ về lĩnh vực quốc phòng, đã bị chỉ trích vì bị cáo buộc có vai trò trong các hoạt động trấn áp người tuần hành ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2010, khi ông đang phục vụ trong quân đội.
Cùng ngày, ông Strettha đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Đài truyền hình Quốc gia Lào ngày 29/8 cho biết, lãnh đạo chính phủ hai nước đã đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục hợp tác kinh tế song phương và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư.
Hai bên đã nhất trí phối hợp đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới sự hội nhập và kết nối khu vực và tiểu vùng. Điều này bao gồm cả việc mở rộng mạng lưới đường bộ, tích hợp lưới điện và kết nối đường sắt.
Ông Sonexay và Srettha cũng cam kết tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch và nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động phát triển công nghiệp.
Thủ tướng Sonexay đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa hai nước, đồng thời cho biết hai nước đã nâng tầm quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược về tăng trưởng và phát triển bền vững.
Về phần mình, tân Thủ tướng Thái Lan bày tỏ ủng hộ Lào làm chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2024.