Trong bối cảnh chính trường Bangkok đang ồn ào với sự tranh giành ủng hộ của cử tri giữa các chính đảng, cuộc bầu cử ngày 24/3 được đánh giá sẽ mang tới bước ngoặt mới cho chính trường Thái Lan.
Theo Hiến pháp năm 2017, số phiếu của 250 Thượng Nghị sỹ do quân đội chỉ định cùng với 500 lá phiếu của các Hạ Nghị sỹ sẽ quyết định việc lựa chọn Thủ tướng kế nhiệm. Để có thể trở thành người đứng đầu Chính phủ Thái Lan, ứng cử viên cần đạt được 376/750 phiếu cần thiết trong Quốc hội.
Danh sách sơ tuyển gồm khoảng 400 ứng cử viên do Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon đứng đầu đã được hoàn tất, song những thông tin về quy trình lựa chọn hay danh tính các ứng cử viên vẫn chưa được công bố.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng chính quyền sẽ công bố danh sách các Nghị sỹ được chọn lựa trước ngày 24/3.
Người dân Thái Lan xếp hàng để bỏ phiếu sớm ở một điểm bỏ phiếu tại thủ đô Bangkok. (Nguồn: Reuters) |
Trước thềm bầu cử, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bày tỏ tin tưởng rằng quá trình thành lập chính phủ mới sẽ diễn ra “suôn sẻ”. Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhận được nhiều sự ủng hộ nhất trong cuộc chạy đua vào vị trí Thủ tướng.
Tuy nhiên, còn đó những ẩn số chưa được giải đáp, nhất là khi đảng Vì nước Thái nhận được sự yêu mến của nhân dân, đặc biệt là giới cử tri thuộc tầng lớp lao động Đông Bắc Thái Lan.
Là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nền kinh tế Thái Lan phần lớn dựa vào nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo. Tuy vậy, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan đã dự báo sản lượng xuất khẩu năm 2019 sẽ giảm 14% so với 2018. Lượng cử tri đến từ các vùng nông thôn của Thái Lan chiếm số phiếu đáng kể trong số 51 triệu cử tri sẽ tham gia bầu cử vào ngày 24/3 tới.
Trong bối cảnh người dân Thái Lan phản đối dự thảo luật về gạo, vốn đề xuất thành lập hội đồng do chính phủ và nhà nước kiểm soát để giám sát ngành gạo và hạt giống, việc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lên tiếng ủng hộ dự luật gây tranh cãi có thể khiến lực lượng cử tri này quay sang ủng hộ đảng Vì nước Thái. Quan trọng hơn, nó còn tạo cơ hội cho đảng đối lập Pheu Thai thu hút thêm sự ủng hộ từ tầng lớp lao động nông nghiệp, vốn luôn quyết định các thắng lợi trước của nhà Shinawatra.
Ngay cả khi nắm phần thắng trong tay, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng khó có thể “kê gối ngủ cao đầu” khi cuộc bầu cử vẫn được cho là nằm dưới sự bảo trợ của Quân đội, lực lượng tiếp tục chi phối chính trường Thái Lan. Các đảng phái chính trị khác, đặc biệt là những đảng thân cựu Thủ tướng Tharsin Shinawatra tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ phía người dân.
Thêm vào đó, dưới thời Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, kinh tế Thái Lan cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đang sụt giảm trong khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại.
Khi đó, lập lại trật tự chính trường, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định xã hội, tăng cường vị thế quốc gia sẽ là nhiệm vụ không đơn giản cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Thái Lan ngày 24/3 tới.
(Bài viết được đăng tải trên Báo Thế giới và Việt Nam, phát hành thứ Năm, ngày 21/3/2019)