Huawei bị thiệt hại nặng nề sau những lệnh trừng phạt của Mỹ và sự hạn chế của nhiều quốc gia. (Nguồn: BBC) |
"Điêu đứng" tại thị trường quốc tế
"Gã khổng lồ" viễn thông Huawei của Trung Quốc thừa nhận các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên đặt vào năm 2019 có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh điện thoại di động của hãng này.
Trước đó, tháng 7/2020, Mỹ đã ra tay với cáo buộc rằng Huawei gây rủi ro về bảo mật, sau đó không lâu Anh thông báo loại công ty này ra khỏi việc xây dựng mạng 5G ở xứ sở sương mù.
Thu nhập của Huawei từ thị trường châu Mỹ đã giảm 25% trong vòng một năm, giảm 10% tại thị trường châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Tin liên quan |
Trung Đông - 'Mảnh đất màu mỡ' cuối cùng của Huawei? |
Trên thực tế, chẳng hạn châu Âu, trong đó có Pháp, vì sức ép của Mỹ nên đã phải hạn chế và thậm chí là cấm Huawei triển khai mạng 5G. Do không được sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của Google - như hệ điều hành Andoid, kho ứng dụng Play Store, các ứng dụng Gmail, Maps - nên rất khó để tập đoàn Trung Quốc thuyết phục được người tiêu dùng châu Âu tiếp tục mua điện thoại cao cấp của Huawei.
Huawei đã phải bán thương hiệu điện thoại Honor, đặt cược vào việc phát triển hệ điều hành riêng HarmonyOS để đảo ngược tình thế và hiện vẫn chưa có khả năng sản xuất chip điện tử cao cấp Kirin, cũng như không thể mua các mẫu chip điện tử từ các đối thủ Mỹ như Qualcomm.
Tuy nhiên, theo dự báo của Les Echos (Pháp), dưới thời Tổng thống Mỹ Biden, những khó khăn mà Huawei đang gặp phải mới chỉ là điểm khởi đầu.
Chủ tịch Hồ Hậu Côn (Ken Hu), khi đề cập đến tác động của lệnh trừng phạt, đã nói với BBC: “Hành động đó gây ra rất nhiều thiệt hại cho chúng tôi”. Phát biểu tại buổi công bố báo cáo năm 2020 của Huawei, ông Hồ Hậu Côn kêu gọi xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ thiết yếu.
Tuy nhiên, bất chấp những thất bại tại thị trường quốc tế, tăng trưởng ở những lĩnh vực khác giúp Huawei vẫn đạt lợi nhuận về tổng thể.
Rút về thị trường nội địa
Sức mạnh của Huawei ở các ngành khác và tại thị trường Trung Quốc giúp doanh thu tổng thể tăng 3,8%, đạt 136,7 tỷ USD và lợi nhuận tăng 3,2%, đạt 9,9 tỷ USD trong năm 2020.
Theo báo Les Echos, mặc dù con số trên thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 19% hai năm trước đó và mức 32% của năm 2016, song trong bối cảnh phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19, thành tựu trên vẫn là đáng kể đối với Huawei.
Mặc dù trong năm 2015, 60% hoạt động của Huawei là ở thị trường quốc tế, nhưng để đối phó với tình hình thế giới, tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã phải rút về thị trường nội địa. Và nay, thu nhập từ Đại lục chiếm đến 2/3 thu nhập của Huawei.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei đã dự trữ chip, đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa nguồn cung. Huawei cũng được cho là đang tự phát triển sản xuất chip của riêng mình tại Trung Quốc.
Xây dựng năng lực trong nước để sản xuất chip tân tiến nhất hiện đang là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
Mập mờ vấn đề sở hữu
Nhà chức trách Mỹ lập luận rằng, việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei sẽ khiến các quốc gia rơi vào nguy cơ bị nhà nước Trung Quốc truy cập dữ liệu hoặc nguy cơ dễ bị ngắt mạng. Huawei bào chữa rằng họ độc lập với nhà nước Trung Quốc bằng việc cố gắng giải thích mô hình sở hữu khác thường của mình.
Jiang Xisheng, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Huawei, nói với BBC rằng các cổ đông là nhân viên của họ “sẽ không cho phép bên ngoài nhúng tay vào hoạt động của công ty”. Công ty này đã cho BBC xem video từ xa về nhà kho nơi có hơn 30 tủ lớn chứa hồ sơ của nhân viên sở hữu cổ phiếu, trong đó liệt kê mỗi cá nhân mua chúng vào lúc nào với giá bao nhiêu.
Giới chỉ trích cho rằng hệ thống này không minh bạch và tựa như một cấu trúc chia chác lợi nhuận hơn là một cơ chế kiểm soát thực sự. Ông Jiang Xisheng so sánh mô hình này với mô hình đối tác thành viên của cửa hàng bách hóa John Lewis ở Anh, cho rằng nó có nghĩa là lợi ích của nhân viên gắn bó mật thiết với lợi ích công ty và góp phần vào thành công của công ty.
Về mặt kỹ thuật, có hai chủ sở hữu của công ty mẹ Huawei - người sáng lập Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) sở hữu 0,9% và một tổ chức công đoàn sở hữu phần còn lại. Công ty này nói rằng công đoàn là nền tảng cho hơn 121.000 nhân viên được sở hữu cổ phần.
Ông Jiang Xisheng - Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Huawei. (Nguồn: The Island) |
Tuy nhiên, đây không phải là những cổ phiếu thông thường. Nhân viên không phải là người Trung Quốc không được quyền sở hữu và cổ phiếu không thể được giao dịch công khai hoặc khi nhân viên rời công ty thì không được giữ.
Việc nắm giữ cổ phiếu giúp nhân viên có quyền bỏ phiếu bầu ra ủy ban đại diện, về mặt kỹ thuật đây là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong công ty. Các ứng cử viên đến từ các lĩnh vực khác nhau của công ty và nhân viên có thể xem một bài thuyết trình được thu sẵn trước khi bỏ phiếu.
Ông Jiang Xisheng cho rằng quy trình này mang tính cạnh tranh, mặc dù không bằng cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ. Ủy ban này chọn ban giám đốc và ban giám đốc có nghĩa vụ báo cáo cho ủy ban hàng năm. Các báo cáo luôn được chấp thuận.
Ông Nhậm Chính Phi vẫn giữ quyền phủ quyết với các vấn đề chủ chốt, bao gồm các ứng cử viên cho ban giám đốc và ban giám sát. Ông Jiang Xisheng giải thích rằng mô hình này một phần giống mô hình quân chủ lập hiến của Anh. Ông nói rằng quyền phủ quyết được thiết kế để “răn đe và kiềm chế” thay vì được thực hiện thường xuyên.
Giới chỉ trích bên ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, cho rằng ủy ban đại diện không hơn gì một nhóm bù nhìn và quyền lực thực sự nằm ở nơi khác, cho phép nhà nước Trung Quốc chỉ đạo trong bí mật.
Đó là một ý tưởng mà ông Jiang Xisheng đang tìm cách đập tan. Ông nói: “Tất nhiên rồi, chúng tôi có thể nói không với nhà nước. Ngay cả khi một số quan chức chính phủ muốn can thiệp vào hoạt động của công ty, chúng tôi có quyền nói không với điều đó”.