📞

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ: Nhiệm vụ không dễ dàng

13:53 | 11/06/2015
Ngày nay, những xung đột cần triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) không chỉ xảy ra giữa các quốc gia mà còn xảy ra trong nội bộ của một quốc gia, do những bất đồng trong kiểm soát và điều hành đất nước giữa lực lượng chính quy cũng như các nhóm vũ trang muốn nắm quyền. Vì vậy, với sứ mệnh bảo vệ dân thường của mình, trong những năm vừa qua, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ còn là tiền đề cho việc hòa hợp dân tộc.
Phó Tổng Thư ký LHQ Hervé Ladsous và Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Diễn đàn chiều 10/6.

Trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, Việt Nam đã ủng hộ và làm hết sức mình đóng góp cho các nỗ lực GGHB của LHQ với sự ra đời của Trung tâm GGHB Việt Nam và cử sỹ quan tham gia phái bộ của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi.

Đó là những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam (9-10/6) của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Hervé Ladsous.

Nhiều thách thức

Ông Hervé Ladsous cho biết, hiện nay, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã triển khai hơn 120 nghìn nhân viên tới 16 phái bộ gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Ngân sách cho hoạt động GGHB cũng đã tăng lên 8,5 tỷ USD/năm. Theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ, lực lượng GGHB phải đảm bảo an toàn cho dân thường, đặc biệt ở nơi có xung đột. Lực lượng này phải là một đội quân đa năng để đảm đương nhiều nhiệm vụ gồm hỗ trợ bình ổn, cải thiện năng lực chính quyền, tăng cường luật pháp, cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và bảo vệ quyền con người.

Đối với những cá nhân tham gia lực lượng GGHB LHQ, làm việc trong một môi trường đa quốc gia như tại các phái bộ hiện nay chính là một thách thức. Ở 16 phái bộ hiện nay có tới 214 nền văn hóa. Do đó, đôi khi, rào cản ngôn ngữ cũng là một thách thức lớn. Ồng Maqsood Ahmed, cố vấn quân sự về hoạt động gìn giữ hòa bình, đưa ra ví dụ: "Trong triển khai bệnh viện dã chiến, các bác sĩ của phái bộ tới các địa phương nhưng lại không nói được tiếng bản địa, người dân thì không hiểu tiếng Anh, phiên dịch thì không dịch đúng thuật ngữ chuyên môn của ngành y tế...".

Ngoài rào cản văn hoá và ngôn ngữ, hoạt động GGHB LHQ hiện phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao. Chẳng hạn như với Việt Nam, khi triển khai các bệnh viện dã chiến tại Cộng hoà Trung Phi, các cán bộ chỉ có thể đi máy bay tới Cameroon, rồi sau đó di chuyển tới Trung Phi bằng đường bộ. Đây là quãng đường đầy nguy hiểm và có thể bị các băng nhóm có vũ trang tấn công.

“Tuyệt vời” Việt Nam

Hoà bình là giá trị cao cả, khát khao cháy bỏng và mục tiêu tối thượng của mọi quốc gia dân tộc, cũng như cộng đồng quốc tế. Hoà bình sẽ không thể có được nếu thiếu sự đóng góp trách nhiệm, chủ động, tích cực và hiệu quả của các quốc gia thành viên vào sứ mệnh GGHB của LHQ trong bối cảnh hoạt động GGHB ngày càng phức tạp hiện nay. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thấm thía mất mát của chiến tranh, Việt Nam luôn ủng hộ và làm hết sức mình đóng góp cho nỗ lực hòa bình của LHQ phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ, đến nay, Việt Nam đã cử được năm cán bộ đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ GGHB LHQ, trong đó có hai sỹ quan ở phái bộ Nam Sudan và hai sỹ quan tham mưu quân sự tại Phái bộ Trung Phi. Việt Nam đã cử hơn 70 lượt cán bộ đi tham gia các khóa học gìn giữ hòa bình ở các nước ASEAN cũng như các nước có kinh nghiệm trong việc gìn giữ hòa bình. Trong các chương trình huấn luyện tiền triển khai, Trung tâm GGHB Việt Nam đã tập trung huấn luyện về luật pháp quốc tế, văn hóa, đất nước, con người ở các phái bộ như Nam Sudan, Trung Phi...

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá một năm triển khai lực lượng GGHB ở Việt Nam (tháng 5/2015), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã dùng từ "tuyệt vời" khi nói về việc Việt Nam cử hai sỹ quan đầu tiên sang Nam Sudan và các sỹ quan khác tới Trung Phi. Tại diễn đàn lần này, Phó Tổng Thư ký LHQ Hervé Ladsous cũng cho rằng: "Chính phủ Việt Nam đã có quyết định đúng đắn khi tham gia vào lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam - một quốc gia đã từng trải qua những cuộc chiến tranh trong quá khứ. Vì vậy, tôi rất mong muốn thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và LHQ trong lĩnh vực GGHB". Ông khẳng định sự chào đón Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB LHQ, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng này.

Sự hỗ trợ của LHQ

Hiện Việt Nam đã chính thức đăng ký vào Hệ thống Bố trí lực lượng thường trực của LHQ, theo đó, Việt Nam sẵn sàng cử thêm các suất cá nhân, triển khai một bệnh viện dã chiến cấp 2 và một đội công binh đến các phái bộ phù hợp khi LHQ có yêu cầu. Đây là một hệ thống rất mới đã đạt được giữa LHQ và các quốc gia thành viên, trong đó nước tham gia phải xác định mức độ sẵn sàng cử một lực lượng quân đội nào đó tham gia lực lượng GGHB. Hệ thống này rất hữu ích bởi sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và LHQ sẽ có nhiều lựa chọn khi cần điều động các lực lượng tới các địa điểm khác nhau.

Ông Hervé Ladsous hy vọng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ tham gia vào hệ thống này đồng thời bày tỏ mong muốn các sỹ quan Việt Nam có thể sớm ứng cử vào các vị trí quan trọng của các cơ quan GGHB tại trụ sở LHQ.

Ông cho biết, sứ mệnh gìn giữ hoà bình đầu tiên của phái bộ hoà bình LHQ đã diễn ra cách đây 67 năm. Trong quá trình trưởng thành, những tiêu chuẩn hoạt động của lực lượng này cũng đã được xây dựng và hoàn thiện. Thông tin về các quy chuẩn cần thiết của lực lượng GGHB cùng tài liệu, cẩm nang liên quan tới các loại hình đơn vị GGHB đã được triển khai cùng những quy trình mua sắm trang thiết bị sẽ là tài liệu hữu ích mà LHQ có thể hỗ trợ, cung cấp cho Việt Nam để thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước khi triển khai lực lượng.

Nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9-10/6, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động GGHB đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh; gặp Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Kim Khánh