Mức thâm hụt kỷ lụcTrong báo cáo công bố gần đây, Bộ Tài chính Mỹ cho biết mức thâm hụt của năm tài khóa tính từ tháng 10/2008 đến hết tháng 6/2009 là 1.090 tỷ USD. Dự tính mức thâm hụt cho cả năm kết thúc vào tháng 10 tới sẽ lên tới 1.840 tỷ USD, tức là gấp 4 lần con số 455 tỷ USD của năm tài chính 2007-2008.Có nhiều nguyên nhân khiến con số thâm hụt tăng đến mức khổng lồ như vậy. Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ cho biết: “Mức thâm thủng trong năm nay chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế thừa hưởng từ chính phủ trước”. Trong đó, suy thoái tài chính đã gây thất thu đáng kể lượng tiền thuế. Theo báo cáo của Bộ Tài chính nước này, trong 6 tháng đầu năm, tổng tiền thuế thu được giảm 14% so với cùng kỳ 2008. Chưa kể đến tình trạng thất nghiệp tăng cao (tới 9,5%, mức cao nhất trong hơn 25 năm qua) và hoạt động kinh doanh bị suy giảm, gây thiệt hại lớn đến thu thuế doanh nghiệp. Nhưng có lẽ những khoản chi mạnh tay của chính phủ, như 700 tỷ USD cho gói cứu trợ tài chính và 787 tỷ USD cho gói kích thích kinh tế, chính là nguyên nhân dẫn đến con số khổng lồ nêu trên. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tình trạng thâm hụt ngân sách với quy mô lớn sẽ còn đeo đẳng nước Mỹ. Theo cơ quan này, các nước giàu trong nhóm G20 sẽ chịu mức thâm hụt ngân sách bình quân là 10,2% GDP trong năm 2009, mức thâm hụt cao nhất từ Thế chiến II tới nay. Trong đó, mức thâm hụt lớn nhất được dự kiến sẽ thuộc về Mỹ, với 13,5% GDP. Theo dự đoán của Bộ Tài chính Mỹ, trong vòng một thập kỷ tới sẽ không có năm nào thâm hụt ngân sách nước này xuống dưới 500 tỷ USD. Chính quyền Obama tính toán tổng thâm hụt ngân sách từ năm 2010 đến năm 2019 có thể lên đến 7.100 tỷ USD. Tức là ngân sách liên bang tiếp tục chịu thâm hụt sâu.Những hệ quả Ở một vài góc độ, thâm hụt ngân sách là con đường hữu hiệu để các chính phủ sử dụng chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Biện pháp này phát huy tác dụng, miễn là ngân sách quốc gia đó ngừng tình trạng thâm hụt và trả lại số tiền đã vay nợ sau khi kinh tế bắt đầu phục hồi. Rắc rối ở đây là hoạt động vay nợ của Chính phủ Mỹ có nguy cơ vượt xa mức độ đầu tư của thị trường vào trái phiếu nước này. Để cạnh tranh với các nước cũng bị thâm hụt, Mỹ sẽ phải đẩy lãi suất lên cao và dẫn đến nguy cơ kéo chậm sự phục hồi tăng trưởng. Trên thực tế, chính quyền Obama không muốn người Mỹ đối mặt với việc bị thu thuế cao hơn. Vì vậy, việc thu hẹp thâm hụt ngân sách trong tương lai bằng tăng thuế hoặc giảm chi tiêu sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn. Sau khi loại trừ tác động của suy thoái hiện nay tới thâm hụt, Marc Goldwein, thuộc Ủy ban về ngân sách liên bang đã ước tính chênh lệch cơ bản giữa chi tiêu của chính phủ và nguồn thu thuế vào khoảng 3-4% GDP, tương đương 400-600 tỷ USD.Như vậy, chính phủ Mỹ chỉ có cách “vay nợ” nước ngoài thông qua trái phiếu. Theo dự kiến của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ trái phiếu của nước này sẽ gia tăng từ mức 41% GDP trong năm 2008 lên mức 51% trong năm 2009 và đạt đỉnh 54% vào năm 2010. Trong cả năm 2009, chính quyền Obama cần vay nợ số tiền có thể lên tới 2.000 tỷ USD. Nợ tăng cũng đồng nghĩa với lãi suất phải trả tăng cao. CBO dự báo, tiền lãi mà Chính phủ Mỹ phải trả trong thập kỷ tới sẽ tăng gấp hơn 4 lần, từ mức 172 tỷ USD trong năm ngoái lên mức 806 tỷ USD vào năm 2019.Các khoản nợ làm cán cân ngân sách ngày càng mất thăng bằng, gây hậu quả lâu dài. Mắc nợ, các chính phủ luôn phải lo trả nợ, phải thường xuyên tìm ra người “chịu” mua trái phiếu của mình, giảm thâm hụt ngân sách hằng năm. Một mối nguy tiềm ẩn khác, đó là sự tràn ngập trái phiếu, sự lo sợ về lạm phát... một ngày nào đó có thể đập tan lòng tin trên của giới đầu tư. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ có thể giảm mạnh, lãi suất sẽ tăng lên. Hậu quả sẽ tác động tới toàn thế giới bởi nước ngoài hiện sở hữu khoảng 50% nợ của Bộ Tài chính Mỹ. Chính vì thế, khi thâm hụt của Mỹ tăng mạnh đã khiến Trung Quốc và các nhà đầu tư trái phiếu nợ của Mỹ lo lắng. Ông Zhu Guangyao, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết, nước này đang hết sức lo ngại việc bảo toàn giá trị của khối trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ. Nếu có sự sụt giảm giá trị của đồng đôla, thì khối tài sản khổng lồ của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại theo. Tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của Mỹ làm cho mối lo này thêm bức bách.Và cũng giống như chuyến công du Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ có chuyến thăm Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất để “giải đáp” những câu hỏi về thâm hụt ngân sách của Mỹ. Ông Geithner sẽ phải cố gắng thuyết phục và cam đoan với các nhà đầu tư tại Trung Đông rằng, các khoản đầu tư của họ tại Mỹ là an toàn và tất nhiên sẽ không phải là việc dễ dàng.Theo Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, trong 8 tháng đầu tiên của năm ngân sách 2009, chính phủ Mỹ đã chi tiêu hết 2.370 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, chính phủ nước này sẽ tung ra gói kích thích kinh tế thứ 2 trong thời gian tới. Nhưng có lẽ trước khi nghĩ đến kế hoạch đó, Chính phủ Mỹ sẽ phải giải quyết hàng loạt khó khăn mà thâm hụt ngân sách đang gây ra.Trần Anh (tổng hợp từ báo chí nước ngoài)