📞

Thảm kịch ở Boston

09:02 | 18/04/2013
Truyền thông Mỹ đăng tải những bức ảnh chụp các dòng chữ bằng phấn tưởng niệm cậu bé Martin Richard, nạn nhân 8 tuổi đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tại cuộc đua marathon thường niên ở Boston hôm 15/04. Bạn bè và bạn học cùng lớp ở trường của cậu viết những dòng chữ yêu thương cuối cùng, cầu nguyện cho cậu và sẽ không bao giờ quên cậu.
Cậu bé Martin, một trong 3 người bị thiệt mạng hôm 15/4 ở Boston.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã coi vụ đánh bom kép trên là một hành động khủng bố.

Martin chỉ là một trong 3 người bị thiệt mạng cùng với 170 người bị thương khác.

Martin đang học lớp 3, và cậu bé tham gia cuộc đua marathon cùng với cha, mẹ, anh trai và chị gái 6 tuổi. Tờ Guardian cho biết, cả gia đình cậu đang gắng thoát khỏi vụ nổ đầu tiên thì vướng vào vụ nổ thứ hai. Martin thì thiệt mạng. Mẹ và chị gái cậu bị thương nặng. Cha cậu bị thương ở chân do mảnh kim loại văng vào.

Tới nay, các nhà chức trách Mỹ cho biết họ đang hợp tác để tiến hành một cuộc "điều tra trên toàn thế giới". Rick DesLauriers, điều tra viên đặc biệt của FBI nói "Chúng tôi sẽ đi đến tận cùng của trái đất để tìm cho ra các đối tượng chịu trách nhiệm cho tội ác này, và chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để đưa chúng ra trước công lý".

Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng, kịch liệt phản đối vụ đánh bom dã man.

Cho tới thời điểm ngày 17/4, một số thông tin về những thiết bị phát nổ trong cuộc marathon ở Boston cũng bắt đầu xuất hiện. Giả thiết đưa ra là hai quả bom đã được di chuyển bằng ba lô và được vứt vào thùng rác, do vậy chúng phải là loại nhỏ, đơn giản và có sức công phá lớn. Người ta tin rằng bom nổ tại hiện trường cuộc đua được chế từ nồi áp suất bởi đã tìm thấy những mảnh kim loại giống như một chiếc nồi áp suất bẹp dúm. Một sự kết hợp đơn giản giữa thuốc súng, một đồng hồ điện tử đeo tay và một đầu nổ có thể biến chiếc nồi này thành một quả bom chết người.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi đây là hành động khủng bố hèn hạ. Vụ tấn công này xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm khi nước Mỹ đang kỷ niệm 2 năm ngày họ tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden (2/5/2011). Rõ ràng, cảm giác về sự mất mát, tổn thương tinh thần và vật chất đã và sẽ ám ảnh người Mỹ sâu sắc.

Có lẽ nhiều năm sau này, khi nhắc về vụ đánh bom ở Boston, người ta cũng sẽ nhớ lại cảm giác kinh hoàng giống như vụ khủng bố 11/9/2001, và người ta sẽ nhắc tới Martin Richard, một nạn nhân nữa của hành động khủng bố.

Những người yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới mong các nhà chức trách Mỹ sẽ sớm tìm ra kẻ thủ ác và trừng trị chúng trước pháp luật.

Thành Châu