📞

Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Belarus

22:00 | 28/06/2016
Theo thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Belarus, ngày 28/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Belarus V.B. Rybakov đã tiến hành tham vấn chính trị, trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương cũng như một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 

Hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Belarus, đặc biệt việc ký kết, phê chuẩn và chuẩn bị đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu. 

Hai bên thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới như duy trì trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo xung lực thúc đẩy hợp tác mọi mặt; chú trọng tuyên truyền cho doanh nghiệp hai bên về Hiệp định Thương mại tự do để bảo đảm triển khai hiệu quả Hiệp định, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật thông qua việc nâng cấp Chủ tịch Phân ban lên cấp Bộ trưởng; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, quốc phòng, giáo dục, văn hóa, du lịch, lao động, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác hiệu quả giữa các địa phương hai nước.

Lễ ký kết hợp tác giữa đại diện VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hai thứ trưởng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, trong đó có việc duy trì cơ chế tham vấn chính trị, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương cũng như hợp tác tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam và Belarus là thành viên.

Hai bên dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có tình hình châu Âu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông, nhất trí ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).