Nhỏ Bình thường Lớn

Tham vấn chung thường niên Hội đồng Bảo an-AUSC: Việt Nam ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở châu Phi

TGVN. Sáng 30/9, cuộc Tham vấn chung thường niên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh Châu Phi (AUPSC) bước sang ngày thứ hai.
Tham vấn chung thường niên Hội đồng Bảo an-AUSC: Việt Nam ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở châu Phi
Tham vấn chung thường niên Hội đồng Bảo an - Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh Châu Phi. (Nguồn: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)

Cuộc họp lần này tập trung thảo luận về tình hình Mali, khu vực Sahel, Somalia và các nước đã đồng thuận thông qua Thông cáo chung.

Bà Rosemary Di Carlo, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, nêu bật những thành tựu về hợp tác giữa HĐBA và AUPSC trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đặc biệt là những đóng góp chung vào tiến trình hòa bình ở Mali, Madagascar, Sudan và Nam Sudan và việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong các tiến trình hòa bình.

Phó Tổng thư ký đánh giá cao việc Liên minh châu Phi (AU) hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ ngày 15/3 về ngừng bắn toàn cầu nhằm tập trung ứng phó Covid-19, đồng thời chia sẻ quan tâm đến tình hình Mali, khu vực Sahel và Somalia và bày tỏ hi vọng sớm có ổn định tại những nơi này.

Ông Smail Chergui, Cao ủy phụ trách hoà bình - an ninh của AU, khẳng định, AUPSC sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với HĐBA, nhắc lại lời kêu gọi của các nước AU về việc tạo điều kiện cho các nước châu Phi tại HĐBA được tham gia chủ trì xây dựng các văn kiện của HĐBA về châu Phi.

Các nước thành viên HĐBA và AUPSC ghi nhận tích cực việc Chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập ở Mali, nhưng cho rằng, tình hình tại Mali và khu vực Sahel đang diễn biến xấu đi với sự gia tăng các hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức và xung đột giữa các cộng đồng.

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp và thực hiện Thỏa thuận Hòa bình năm 2015.

Các đại biểu kêu gọi Chính phủ và các bên liên quan ở Somalia sớm tiến hành bầu cử đúng hạn, tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và xử lý những thách thức về kinh tế, nhân đạo, thiên tai.

Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định, Việt Nam ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mali, ghi nhận việc các bên liên quan tại Mali đạt được thoả thuận thành lập Chính phủ chuyển tiếp.

Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân Mali và tiếp tục ứng phó Covid-19, kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Đại diện Việt Nam kêu gọi chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan thúc đẩy hợp tác, tin cậy lẫn nhau để thúc đẩy hòa hợp dân tộc và thực hiện việc chuyển tiếp trong hòa bình, ổn định, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các giai đoạn của tiến trình chính trị tại Mali, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác giữa HĐBA và AUPSC trong ngăn ngừa và quản lý xung đột ở châu Phi nói chung và ở Mali nói riêng.

Thông cáo chung được thông qua bằng đồng thuận có nội dung đánh giá cao vai trò của AU trong ngăn ngừa, quản lý và giải quyết xung đột, thúc đẩy tái thiết và phát triển ở Châu Phi; tái khẳng định tầm quan trọng của tăng cường hợp tác giữa HĐBA và AUPSC trong các vấn đề hòa bình và an ninh ở châu Phi, qua đó đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Thông cáo cũng nhấn mạnh việc tiếp tục phối hợp triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững, Chương trình Nghị sự của AU đến năm 2063 và Nghị quyết 2457 của HĐBA LHQ về ủng hộ sáng kiến “Ngưng tiếng súng tại châu Phi”.

Cơ chế tham vấn chung thường niên giữa HĐBA và AUPSC được thiết lập từ năm 2007 nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong xử lý các vấn đề hòa bình, an ninh ở châu Phi.

Theo thông lệ, HĐBA và AUPSC sẽ luân phiên chủ trì tham vấn tại New York (Mỹ) và Addis Ababa (Ethiopia).

Tham vấn năm nay diễn ra trong 2 ngày, từ 29-30/9/2020 dưới sự chủ trì của Niger, nước Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 9/2020. Đây cũng là lần đầu tiên tham vấn được tổ chức qua hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Liên minh châu Phi là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 55 quốc gia châu Phi, có trụ sở tại Addis Ababa (Ethiopia), được thành lập ngày 9/7/2002 và là được xem là tổ chức kế thừa Tổ chức Liên đoàn châu Phi (OAU).

AU có 7 cơ quan chính, trong đó Hội đồng Hòa bình và An ninh (AUPSC) có nhiệm vụ xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh ở châu Phi.

AUPSC có cơ cấu tổ chức tương đối giống với HĐBA với 15 nước thành viên nhưng các nước thành viên hoạt động theo nhiệm kỳ 2 năm và không có nước thành viên thường trực.

Việt Nam đánh giá cao hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi

Việt Nam đánh giá cao hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi

TGVN. Ngày 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi ...

Hội đồng Bảo an thảo luận về Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine

Hội đồng Bảo an thảo luận về Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine

TGVN. Chiều 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Chiến sự căng thẳng, 2 tiểu đoàn bị xóa sổ; Khả năng đàm phán bằng 0, Nga-Thổ-Iran sẽ làm gì?

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Chiến sự căng thẳng, 2 tiểu đoàn bị xóa sổ; Khả năng đàm phán bằng 0, Nga-Thổ-Iran sẽ làm gì?

TGVN. Tình hình chiến sự giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đang diễn ra hết sức căng thẳng.

QT. (theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)