📞

Tham vọng mới về đường lưỡi bò

09:57 | 22/08/2014
Với cuốn sách của Đại học Thanh Hoa mới xuất bản, lập luận về đường lưỡi bò của Trung Quốc lần đầu tiên được hệ thống hóa và tập trung vào cách giải thích đường lưỡi bò là đường giới hạn lịch sử của các quyền trên biển. Tuy nhiên, "chiêu trò" này cũng nhanh chóng bị cộng đồng quốc tế phản bác vì nó cũng không nằm ngoài tham vọng bành trướng Biển Đông.
Không quốc gia nào công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Động thái mới

Liên tiếp trong tháng 6 và tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã có những động thái đẩy mạnh yêu sách phi pháp về đường lưỡi bò. Vào tháng 6, nhà xuất bản Hồ Nam chính thức ấn hành bản đồ Trung Quốc theo khổ dọc có đường lưỡi bò. Trong tháng 8, để đánh dấu "sự kiện 100 năm tuyên bố đường lưỡi bò", Trung Quốc đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về các học thuyết về đường lưỡi bò ở Biển Đông. Cuốn sách mô tả lịch sử, chức năng cũng như giải thích "cơ sở pháp lý" của đường lưỡi bò được viết bởi Viện Nghiên cứu Biển thuộc khoa Luật, Đại học Thanh Hoa.

Với tấm bản đồ khổ dọc, đường lưỡi bò trong tương quan lãnh thổ của Trung Quốc đã có cách thể hiện mới.

Thứ nhất, nếu như các bản đồ khổ ngang chỉ tập trung vào phần Trung Quốc lục địa, vùng biển Đông được thể hiện ít nổi bật và đường lưỡi bò chỉ là một ô nhỏ nằm ở góc phải tấm bản đồ; bằng cách xoay dọc khổ giấy, giờ đây đường này được thể hiện trọn vẹn, rõ ràng và bắt mắt.

Thứ hai, trong tấm bản đồ mới, đường lưỡi bò đã tăng thành 10 đoạn thay vì 9 đoạn với ký hiệu tương tự như đường biên giới quốc gia của Trung Quốc. Rõ ràng bản đồ khổ dọc mới của Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng tham vọng độc chiếm Biển Đông thông qua đường lưỡi bò nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại khẳng định "Các nhà xuất bản một số khu vực đưa ra các loại bản đồ Trung Quốc khác nhau nhằm phục vụ dân chúng, không nhất thiết phải suy diễn quá về điều này. Lập trường của Chính phủ Trung Quốc về Biển Đông là nhất quán, rõ ràng và không thay đổi." Nhân dân Nhật báo Trung Quốc lại bình luận rằng cách vẽ mới này sẽ giúp người dân "đọc được đầy đủ và trực tiếp toàn bộ bản đồ của Trung Quốc. Nhà xuất bản bản đồ cũng biện hộ rằng bản đồ khổ dọc "mang ý nghĩa thúc đẩy hiểu biết của người dân".

Với cuốn sách của Đại học Thanh Hoa, lập luận về đường lưỡi bò lần đầu tiên được hệ thống hóa và mô tả chi tiết tập trung trong một cuốn sách. Trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ yêu sách của họ về đường lưỡi bò. Mọi cách giải thích về đường lưỡi bò từ phía học giả Trung Quốc chỉ dừng ở việc đưa ra giả thiết thiếu cơ sở pháp lý như đường quy thuộc đảo, giới hạn vùng nước lịch sử, đường biên giới trên biển... Những cách giải thích này không có cơ sở theo luật quốc tế và không thể được sử dụng để biện hộ cho các hành vi hung hăng, gây bất ổn trên thực địa của nước này. Lần này, vẫn với danh nghĩa của học giả tại Đại học Thanh Hoa, nhưng các lập luận về đường lưỡi bò được tập hợp lại và tập trung vào cách giải thích đường lưỡi bò là đường giới hạn lịch sử của các quyền trên biển. Theo đó, quyền trên biển mà Trung Quốc dự định yêu sách ba loại quyền: quyền yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên các đảo thuộc Biển Đông, quyền đánh cá và quyền khai thác khoáng sản tại vùng biển bên trong đường lưỡi bò.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Tấm bản đồ đường lưỡi bò khổ dọc cũng như các lập luận biện hộ trong cuốn sách của Viện Nghiên cứu Biển thuộc khoa Luật, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc không mới mẻ với dư luận quốc tế vì trên thực tế, bằng những hành động gây hấn của mình trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sớm thể hiện những yêu sách thiếu cơ sở pháp lý, xâm phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán, trong đó nổi bật nhất là quyền đánh cá và khai thác khoáng sản tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển công nhận cho các quốc gia ven Biển Đông. Chính vì vậy, động thái mới của Trung Quốc trong việc phổ biến và giải thích yêu sách đường lưỡi bò đến trong và ngoài nước đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Thứ nhất, dư luận quốc tế và khu vực cho rằng động thái mới của Trung Quốc về đường lưỡi bò thể hiện sự yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ Inquirer của Philippines dẫn lời Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio gọi bản đồ có "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh là "sự gian lận lịch sử khổng lồ". Ông nói, "không tấm bản đồ cổ nào của Trung Quốc, dù do người Trung Quốc hay do người nước ngoài vẽ, có chứa quần đảo Trường Sa hay bãi Scarborough. Các bản đồ cũ của Trung Quốc đều cho thấy đảo Hải Nam là cực Nam của Trung Quốc".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nói: "Chúng ta nên nhớ rằng không một quốc gia nào công nhận yêu sách 9 đoạn trước đó của Trung Quốc cả. Do vậy, việc đưa ra bản đồ mới không quyết định lãnh thổ của họ. Hành động bành trướng tham vọng như thế này đích xác là những gì gây căng thẳng tại Biển Đông".

Về phía Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel phát biểu: "Hành động trên của Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế nước này trên trường quốc tế và với tư cách một cường quốc đang trỗi dậy, họ cần kiềm chế hành vi của mình".

Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo tại Hà Nội về việc Trung Quốc phát hành tấm bản đồ mới, Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: "Việc phát hành bản đồ đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị không chỉ Việt Nam mà nhiều nước phản đối.

Trong bài viết có nhan đề Chiến lược đấu tranh tâm lý mới của Trung Quốc trên Biển Đông được đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ, tác giả Harry Kazianisc cũng nhận định: "Trung Quốc đang thực hiện một mưu kế mới để củng cố những yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông. Đó là sử dụng các giàn khoan dầu và công bố các bản đồ nhằm đạt được mưu đồ này".

Thứ hai, dư luận quốc tế và khu vực đều bác bỏ giá trị pháp lý của các bản đồ mà Trung Quốc sử dụng để thúc đẩy yêu sách chủ quyền và vùng biển trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố rằng bản đồ mới của Trung Quốc không thể biến các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trở thành lãnh thổ của nước này, "nếu mà như vậy, mỗi nước đều có thể vẽ bản đồ riêng. Thế nên, bản đồ cần phải dựa trên luật pháp quốc tế".

Ông Herminio Coloma Jr, Bộ trưởng Văn phòng truyền thông Phủ Tổng thống Philippines còn mỉa mai gọi bản đồ mới của Trung Quốc chỉ là… một bức vẽ: "Họ vẽ ra đường 9 đoạn. Giờ thì 10 đoạn. Thời Tưởng Giới Thạch thì lại là 11 đoạn. 11 đoạn trở thành 9, rồi lại thành 10. Nói đơn giản là Trung Quốc chỉ vẽ ra những thứ này. Tất cả những hình vẽ đó đều bị UNCLOS bác bỏ cả".

Nhà bình luận các vấn đề quân sự toàn cầu Wu Ge của chính Trung Quốc cũng bày tỏ rằng: "Nếu trong quá khứ Mỹ muốn lấy trọn Hawaii và Guam, Anh và Pháp muốn chiếm các vùng lãnh thổ nước ngoài, họ có lẽ chỉ cần trưng ra bản đồ thế giới. Liệu có ích lợi gì khi cho công bố các bản đồ này? Chẳng có gì khác ngoài việc bộc lộ rõ tham vọng. Việc làm này chỉ nhằm khuếch trương chủ nghĩa yêu nước mù quáng".

Có thể thấy, vẫn với chiêu bài cũ, việc Trung Quốc có những động thái mới về đường lưỡi bò một lần nữa nhằm leo thang tranh chấp và thử phản ứng của cộng đồng quốc tế. Giáo sư Lee Yunglung thuộc Viện Biển Đông - Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) tự đánh giá rằng "thực tế tấm bản đồ mới do một nhà xuất bản địa phương xuất bản cho phép Bắc Kinh né tránh khả năng phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng. Đồng thời, nó mở đường cho chính phủ Trung Quốc khuyến khích sử dụng tấm bản đồ đó trong tương lai nếu phản ứng (của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế) không quá dữ dội".

Hy vọng phản ứng của cộng đồng quốc tế và các quốc gia trong khu vực trong thời gian qua đã giúp Trung Quốc có được câu trả lời về sự phi pháp của yêu sách đường lưỡi bò và qua đó kiềm chế các hành vi gây hấn tại Biển Đông.

Võ DiệpViện Biển Đông