Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan hồi đầu tháng này cho biết, thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng của Indonesia, Bali, có tiềm năng thu hút giới siêu giàu trong khu vực đang tìm kiếm các tổ chức tài chính tin cậy để quản lý những tài sản kếch xù.
“Rất nhiều người giàu có sẽ coi Bali là địa điểm thay thế để họ đầu tư vào Indonesia”, Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho hay trong một cuộc họp của Hạ viện.
Theo ông Luhut Pandjaitan, nếu như Singapore, Abu Dhabi và Hong Kong (Trung Quốc) có thể vươn lên trở thành những trung tâm tài chính của châu Á thì Indonesia hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.
Indonesia đang muốn cạnh tranh với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore để trở thành một trung tâm quản lý tài sản trong khu vực. (Nguồn: Bloomberg) |
Tiềm năng lớn
Theo đó, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á có thể chứng kiến dòng chảy tài chính lên tới 100 triệu USD cho tới 1 tỷ USD từ các văn phòng gia đình (family office) - thuật ngữ để chỉ những công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân, phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (HNWI) trong các gia đình và doanh nghiệp gia đình, nhằm hỗ trợ phát triển và chuyển giao tài sản qua nhiều thế hệ một cách hiệu quả.
Ông Luhut Pandjaitan tiết lộ, ông đã được Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo "bật đèn xanh" và sẵn sàng cho kế hoạch này.
Tin liên quan |
Kinh tế Indonesia khởi sắc dưới “bàn tay” ông Widodo |
Cũng theo người đứng đầu Bộ Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, tỷ lệ cao các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình ở Indonesia đang tạo ra nhu cầu đáng kể đối với các dịch vụ văn phòng gia đình. Các văn phòng này sẽ cho phép nhiều gia đình giàu có bảo toàn số tài sản của họ ở Indonesia thay vì phải chuyển tiền ra nước ngoài.
Một văn phòng gia đình cung cấp một loạt các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của những cá nhân có giá trị cao. Từ quản lí đầu tư đến tư vấn từ thiện, văn phòng gia đình cung cấp một giải pháp tài chính tổng thể cho các cá nhân có giá trị ròng cao. Ngoài ra, văn phòng gia đình cũng có thể xử lí các vấn đề phi tài chính như đi học riêng, sắp xếp đi du lịch và các sắp xếp khác trong gia đình.
Báo cáo cùa Deloitte Indonesia cho thấy, ước tính 95% doanh nghiệp tại Indonesia thuộc sở hữu của các gia đình.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo báo cáo năm 2023 của công ty tư vấn KPMG, 9% trong số 20.000 văn phòng gia đình trên toàn thế giới nằm ở châu Á, đồng thời đây cũng là châu lục có số lượng tỷ phú cao nhất thế giới.
Trong các trung tâm tài chính, những năm qua Singapore và Hong Kong thường xuyên cạnh tranh gay gắt để thu hút giới đầu tư giàu có, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Theo Cơ quan tiền tệ Singapore, số lượng văn phòng gia đình đã tăng từ 50 vào năm 2018 lên 1.400 vào cuối năm 2023, mang lại hàng tỷ USD tài sản tư nhân cho đảo quốc sư tử. Trong khi đó, một báo cáo từ Deloitte hồi tháng Ba ước tính có hơn 2.700 văn phòng gia đình đang hoạt động ở Hong Kong.
Các nhà phân tích nhận định, Indonesia sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ cả Singapore và Hong Kong, đặc biệt khi hai trung tâm tài chính này đã tạo dựng được danh tiếng mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý tài sản trong vài thập kỷ qua.
Tiến sĩ Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) và là điều phối viên Chương trình nghiên cứu Indonesia bình luận: "Để Indonesia có thể cạnh tranh với Singapore hoặc Hong Kong trong lĩnh vực quản lý tài sản, quốc gia này cần tạo niềm tin vào hệ thống tổng thể, đặc biệt là về quản trị và năng lực thể chế để bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng”.
Ông cũng cảnh báo, các vấn đề về năng lực thể chế và quản trị của Indonesia có thể ngăn cản các nhà đầu tư trong tương lai, đồng thời không quên lưu ý cuộc tấn công mạng vào một trong những trung tâm dữ liệu quan trọng của Indonesia tuần qua đã làm tê liệt hệ thống nhập cư của nước này và gây ra những lo ngại về quyền riêng tư.
Bà Maisya Sabhira, Cố vấn kinh doanh và đầu tư tại công ty tư vấn thuế Tax Prime có trụ sở tại Jakarta, cho biết Singapore và Hong Kong còn được hưởng lợi từ hệ thống chính trị ổn định, khung pháp lý mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng tài chính tinh vi và hệ thống luật lệ chung.
“Mặc dù Indonesia có tiềm năng nhờ quy mô thị trường và tăng trưởng kinh tế, nhưng nước này hiện đang phải đối mặt với những thách thức về tính rõ ràng của quy định, sự phức tạp của hệ thống pháp lý, lỗ hổng cơ sở hạ tầng cũng như nhận thức về quản trị và tính minh bạch”, bà Maisya Sabhira phân tích.
Nỗ lực của Jakarta
Để chuẩn bị cho tham vọng này, Indonesia đang sửa đổi hệ thống luật cho phép thành lập các văn phòng gia đình, vì khuôn khổ luật dân sự hiện tại của Jakarta đang thiếu cơ sở pháp lý cần thiết, đặc biệt đối với các yêu cầu về trọng tài quốc tế. Các chuyên gia cũng lưu ý, kế hoạch này sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể về thể chế và luật pháp.
Tin liên quan |
Kinh tế Indonesia: Chuyển trọng tâm từ đất liền ra biển |
Gatot Soepriyanto, Giáo sư tại Đại học Binus ở Bekasi, Indonesia, cho biết: “Khả năng Jakarta thực hiện động thái này sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị, sự hỗ trợ từ các bên liên quan và lợi ích nhận được so với mức độ phức tạp của việc thực hiện”.
Tuy nhiên, ông Gatot lập luận rằng nền kinh tế lớn và vị trí chiến lược của Indonesia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh nếu nước này có thể vượt qua các thách thức pháp lý và đưa ra các ưu đãi về thuế để thu hút người giàu.
“Indonesia có thể tận dụng các điểm tham quan văn hóa và thiên nhiên độc đáo ở Bali để đưa ra một đề xuất khác biệt so với các trung tâm tài chính khác”, ông nói thêm.
Dù vậy, chuyên gia Negara cho rằng, cần phải “xem xét và thảo luận sâu hơn” với các bên liên quan về việc liệu Bali có cơ sở hạ tầng tài chính để hỗ trợ các văn phòng mới này hay không, đặc biệt là so với Jakarta, nơi tập trung hầu hết các hoạt động tài chính của đất nước.
Cuối cùng, để khẳng định vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực quản lý tài sản, Indonesia phải xây dựng danh tiếng vững chắc trong khuôn khổ tài chính và pháp lý của mình.
“Việc này sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng vì Indonesia vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến khung pháp lý của mình”, chuyên gia này cho hay.
| OECD ra quyết định 'mang tính lịch sử' với Indonesia, Anh muốn Jakarta 'có một ghế' Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh, quyết định thiết lập các cuộc đàm phán việc ... |
| Tăng trưởng vượt dự báo, bí quyết của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là gì? Trong quý I/2024, Indonesia tăng trưởng 5,11%, vượt mức 5% mà các nhà kinh tế dự đoán trước đó và cao hơn mức 5,04% đạt ... |
| Đứng giữa ‘làn đạn’ thương chiến Mỹ-Trung Quốc, một quốc gia Đông Nam Á phải sống sót thế nào? Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai gã khổng lồ kinh tế số 1 và số 2 thế giới là Mỹ-Trung Quốc được ... |
| Xuất khẩu ròng suy giảm, kinh tế Indonesia vẫn gặt hái thành tựu nhờ những điểm sáng nào? Thành tựu kinh tế của Indonesia trong thời gian qua được hỗ trợ thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, ... |
| WB: Kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và hai năm tới 2025, 2026 đều ... |