Năm ngoái, một số nước châu Âu đã bắt đầu tính kế rời xa "siêu thị" năng lượng hạt nhân của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Nga thông qua công ty điện hạt nhân khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Rosatom đã thống trị chuỗi cung ứng hạt nhân toàn cầu. Đây là nhà cung cấp uranium lớn thứ ba của châu Âu vào năm 2021.
Số liệu từ Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA) cho thấy, năm 2021, Rosatom đã cung cấp 20% uranium tự nhiên cho các lò phản ứng của châu Âu. Các nước châu Âu đã trả cho Nga 210 triệu Euro để mua uranium thô.
Nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, một số nước châu Âu đã bắt đầu tính kế rời xa "siêu thị" năng lượng hạt nhân của Nga.
Công ty năng lượng của Czech, CEZ, đã ký hợp đồng với Công ty Điện lực Westinghouse có trụ sở tại Pennsylvania (Mỹ) và công ty Framatome của Pháp để cung cấp các tổ hợp nhiên liệu cho nhà máy ở Temelin.
Phần Lan đã hủy bỏ một dự án với Rosatom để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân và thuê Westinghouse thiết kế, cấp phép và cung cấp một loại nhiên liệu mới cho nhà máy ở Loviisa.
Khó "quay lưng" với năng lượng hạt nhân Nga?
Tuy nhiên, việc cả thế giới quay lưng lại với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga sẽ là một việc làm khó khăn bởi chuỗi cung ứng hạt nhân đặc biệt phức tạp. Để thiết lập chuỗi cung ứng mới sẽ tốn kém và mất nhiều năm.
Nga đóng vai trò quan trọng trong thị trường nhiên liệu hạt nhân của thế giới. Quốc gia này kiểm soát 38% quá trình chuyển đổi uranium và 46% khả năng làm giàu uranium của thế giới.
“Điều đó tương đương với tất cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cộng lại về thị phần và sức mạnh", ông Paul Dabbar, một thành viên tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định.
Báo cáo từ Viện Royal United Services, một tổ chức nghiên cứu an ninh ở London cho thấy, cũng như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, chi phí cung cấp nhiên liệu hạt nhân đã tăng lên trong năm qua, đưa hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu trong lĩnh vực này vào kho bạc của Nga.
Về phía EU, khoảng 1/4 nguồn cung cấp điện đến từ năng lượng hạt nhân. Với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa kết thúc ở khu vực này nỗ lực giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang được nhắc đến nhiều hơn và vai trò của năng lượng hạt nhân sẽ ngày càng cao.
Ông Agnieszka Kazmierczak, người đứng đầu ESA cho biết, dù uranium từ Nga có thể được thay thế bằng cách tăng nhập khẩu từ nơi khác và hầu hết các nhà máy hạt nhân đều có dự trữ bổ sung ít nhất một năm nhưng các quốc gia có lò phản ứng do Nga xây dựng đều phụ thuộc vào nhiên liệu nước này sản xuất.
Hiện tại, có 18 nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế ở EU và tất cả sẽ bị ảnh hưởng nếu khối 27 thành viên áp lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực này.
Đó là lý do khối này đã vật lộn trong năm qua để không nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ Ukraine và một số nước EU.