Nhỏ Bình thường Lớn

Thăng trầm “tứ giác an ninh”

Liệu tầm nhìn về khuôn khổ chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và “viên kim cương an ninh” tại châu Á có trở thành hiện thực?
TIN LIÊN QUAN
thang tram tu giac an ninh Khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu
thang tram tu giac an ninh Đặt con người làm trung tâm phát triển kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương

Mới đây, nguyên thủ và quan chức cấp cao của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã tiến hành hội đàm về “tứ giác an ninh” cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy chỉ là sự kiện bên lề các chương trình nghị sự chính tại Philippines, đây lại được đánh giá là một bước ngoặt trong quan hệ hợp tác an ninh giữa bốn cường quốc này.

Thập kỷ hồi sinh

Cụm từ “tứ giác an ninh”, vốn được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc tới lần đầu tiên trong bài phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ năm 2007, đã sớm rơi vào quên lãng. Ở thời điểm đó, ước mơ của ông Abe về một “châu Á rộng lớn hơn”, với sự hội tụ của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhằm mở ra một mạng lưới giúp người dân, dòng vốn đầu tư, hàng hóa và tri thức có thể dễ dàng lưu thông, chưa thể trở thành hiện thực. Bất chấp những nỗ lực của Tokyo, cả Canberra, New Delhi và Washington đều tỏ ra không mấy mặn mà với đề xuất này và quan ngại trước phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh.

thang tram tu giac an ninh
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Ấn Độ Naendra Modi. (Nguồn AFP/Getty)

Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm và trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương liên tục có nhiều chuyển biến phức tạp, cả ba quốc gia này dần nhận thấy lợi ích trong đề xuất của Nhật Bản và đã có nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa hợp tác an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cụ thể, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 11/2017 trước khi tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ông Shinzo Abe đã lặp lại quan điểm về “tứ giác an ninh”, “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” và nhận được sự tán thành của ông chủ Nhà trắng. Về phần mình, bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Philippines, ông Trump cũng đã gặp gỡ Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Ấn Độ Naendra Modi nhằm tìm kiếm sự đồng tình về tầm nhìn mới của khu vực.

Đỉnh điểm là ngày 12/11, đại diện “bộ tứ” đã lần đầu nhóm họp bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 tại Philippines, dưới sự chủ trì của phái đoàn Nhật Bản. Thông cáo được Bộ Ngoại giao các nước đưa ra ngay sau đó cho thấy mức độ hợp tác giữa các bên đã có bước tiến rõ rệt.

Nếu thành hiện thực, tầm nhìn về “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” sẽ có tác động lớn đến cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và quốc tế nói chung. Đầu tiên, kế hoạch này kêu gọi giữ vững trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đặc biệt là trong các tranh chấp lãnh hải. Bên cạnh đó, nó sẽ góp phần thúc đẩy tự do thương mại, bằng cách tự do hóa các thiết chế thương mại khu vực và ủng hộ tự do hàng hải. Cuối cùng, “tứ giác an ninh” trong kế hoạch, gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác, đảm bảo an ninh cho khu vực nói chung và các quốc gia nhỏ tại Đông Nam Á và Đông Á nói riêng.

Giấc mơ của người Nhật

Dẫu vậy, ý tưởng về “viên kim cương an ninh ” và tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự dẫn dắt và kiên trì của Nhật Bản. Nhận thức được tầm quan trọng của hai khái niệm này đối với sự phát triển của Nhật Bản nói riêng và khu vực nói chung, Thủ tướng Shinzo Abe luôn là người đi đầu trong hoạt động kết nối các nước và nhắc nhở họ về lợi ích có thể đạt được tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, bên cạnh nỗ lực tiên phong trong chính sách an ninh, Nhật Bản cũng là một trong những nước kiên quyết theo đuổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau khi Mỹ rút, Nhật Bản đi đầu trong việc cứu vãn Hiệp định này, cụ thể bằng việc đề xuất gói thỏa thuận cuối cùng để các nước bàn thảo và xây dựng phiên bản mới của TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sở dĩ Tokyo kiên trì đến vậy bởi ông Abe hiểu rằng sự tan rã của TPP/CPTPP sẽ là “đòn chí mạng” tới quá trình hình thành “tứ giác kim cương” và tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ngay cả khi những nỗ lực của Thủ tướng Abe đang dần đơm hoa kết trái, Tokyo, New Delhi, Canberra và Washington nhận thức rõ họ sẽ phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc cho đây là động thái kiềm chế chiến lược “Vành đai và Con đường” và cô lập quốc gia này. Ngay sau cuộc họp của “bộ tứ” ngày 12/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố các chương trình hợp tác trong khu vực không nên bị chính trị hóa hoặc mang tính ngăn chặn. Sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc sẽ là thách thức không nhỏ mà lãnh đạo bốn nước “tứ giác kim cương” cần vượt qua, nếu họ muốn hiện thực hóa giấc mơ về hợp tác xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

thang tram tu giac an ninh Ấn Độ, Pháp tăng cường hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương

Ngày 17/11, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã có cuộc hội đàm sâu rộng và quyết định ...

thang tram tu giac an ninh Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ thảo luận về hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngày 12/11, các quan chức của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thảo luận rộng rãi về các mối quan tâm chung trong ...

thang tram tu giac an ninh Ấn Độ cam kết tăng cường quan hệ với ASEAN

Trong tuyên bố ngày 11/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng chuyến thăm của ông tới Philippines để tham dự Hội nghị cấp cao ...

Phan Quân