📞

“Thanh gươm” hạt nhân sẽ được tra vào vỏ tại Hà Nội?

13:55 | 28/02/2019
Đó là nhận định của Thiếu tướng, PGS. TS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công An Lê Văn Cương về kết quả của Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

Tiêu chí cũ, thực tế mới

Đánh giá về kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sẽ được công bố thông qua các tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chiều ngày 28/2, tướng Cương cho rằng cần xây dựng một tiêu chí/hệ quy chuẩn để đánh giá thành công của sự kiện.

Nếu như lấy tiêu chí phải cam kết, phải thực hiện bằng được tuyên bố phi hạt nhân hóa trong một thời gian nhất định, Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này đã không đạt được. Song nếu xét trên thực tế rằng vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã tồn tại hàng chục năm nay, có quan hệ sống còn đến tương lai của Triều Tiên và đặc biệt quan trọng đối với Mỹ, có thể thấy tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng là không hề đơn giản và khó thể đạt được trong một hay hai cuộc gặp Thượng đỉnh.

Vào lúc 18h30 ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau ở khách sạn Metropole.

Tuy nhiên, tại Hà Nội, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ thái độ thân thiện khi gặp nhau, trong một bầu không khí cởi mở, thẳng thắn và tin cậy lận nhau. Một môi trường thuận lợi đóng vai trò rất quan trọng trong việc xúc tiến đàm phán thành công và tại một Hà Nội hòa bình, thân thiện, mến khách, hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về những vấn đề cụ thể, tiếp nối tuyên bố chính trị tại Singapore hồi tháng 6/2018.

Sắp tới, hai bên nhiều khả năng sẽ đưa vào những cam kết của các bên. Đối với Mỹ, đó là dừng tập trận chung với Hàn Quốc gần biên giới Triều Tiên, không triển khai vũ khí hạt nhân/chiến lược đến Hàn Quốc và nới lỏng một số biện pháp trừng phạt/cấm vận đối với Triều Tiên.

Ngược lại, về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đưa vào tuyên bố chung này quyết tâm phi hạt nhân hóa từng bước một để đáp lại động thái của Mỹ. Bình Nhưỡng cũng sẽ cam kết không thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, không tiếp tục làm giàu Urani, không nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể mời các chuyên gia Mỹ, thanh sát viên của Liên hợp quốc và Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến kiểm chứng và phá thêm một vài địa điểm thử tên lửa và cơ sở hạt nhân.

Trên cơ sở đó, tướng Cương cho rằng từ kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, bán đảo Triều Tiên sẽ là một vùng hòa bình, ổn định và không có những phát triển đột xuất theo hướng xấu, ít nhất là trong năm 2019 – 2020.

Cuối cùng, hai bên nhiều khả năng sẽ cam kết tiếp tục nuôi dưỡng “ngọn lửa” đối thoại, chỉ đạo các cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, chuyên viên duy trì liên lạc, trao đổi thông tin. Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ xem xét thành lập Văn phòng Liên lạc tại Washington và Bình Nhưỡng để phục vụ công tác này.

Dựa trên những tiến triển đó cùng tính chất đặc biệt của vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tướng Cương cho rằng cần căn cứ vào thực tế, nhu cầu bức bách là duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Bắc Á để đánh giá thành công của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Dựa trên tiêu chí này, ông cho rằng Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội thành công ở chỗ tạo tiền đề để Mỹ và Triều Tiên từng bước nhấc “thanh gươm” hạt nhân chực chờ cắt đứt hòa bình mong manh tại khu vực Đông Bắc Á.

Việt Nam – điểm đến vì hòa bình

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm một lá cờ Việt Nam từ tay các thiếu nhi. (Nguồn: Reuters)

Nhận định về đóng góp của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tới hình ảnh, vị thế của Việt Nam, tướng Cương cho rằng việc hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hà Nội là một thành công đối với Việt Nam trên ba khía cạnh.

Đầu tiên, ngay từ khi địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai được tiết lộ, Việt Nam đã ráo riết chuẩn bị và năng lực tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế chỉ trong quãng thời gian ngắn như vậy đã gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè thế giới.

Thứ hai, một Việt Nam hòa bình, thân thiện và phát triển đã trở thành một điểm đến lý tưởng. Hàng nghìn bài báo đến từ các phóng viên trong và ngoài nước sau sự kiện sẽ một lần nữa khẳng định thực tế này.

Cuối cùng, việc Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội thành công sẽ nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam với tư cách quốc gia đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Thông qua sự kiện lần này, Việt Nam cũng trở thành hình mẫu, cầu nối hòa giải mâu thuẫn giữa các quốc gia, phe phái với nhau, duy trì và đóng góp tích cực vào bầu không khí hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển trên thế giới.