TIN LIÊN QUAN | |
Mo Salah và dàn sao châu Phi ở Premier League | |
Đội tuyển Senegal “giải cứu” châu Phi |
Sani Gideon, cầu thủ Nigeria đang chơi cho CLB Akhisarspor. (Nguồn: The Guardian) |
Yves Kibendo là một người nhập cư bất hợp pháp sống trong căn nhà ọp ẹp giữa thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Hàng ngày, anh phải thức dậy từ lúc 6h sáng để tới làm việc tại một nhà máy dệt trong vòng 12 tiếng và trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi khi trời đã tối muộn. Mức lương mà Kibendo được nhận là khá thấp, thậm chí nhiều khi anh còn không được nhận một đồng lương nào.
Thực tế là, chàng trai trẻ này không lặn lội quãng đường xa xôi từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ để làm việc cả ngày trong nhà máy. Anh đến đây để chơi bóng đá, để lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển dụng với hy vọng đổi đời từ nghề nghiệp mình theo đuổi. Cao ráo, khỏe khoắn và có đôi chân dài, Kibendo được đánh giá là một tiền vệ biên đầy hứa hẹn.
Giấc mơ bị bóp nát
Mỗi năm, hàng trăm cầu thủ trẻ châu Phi bỏ quê nhà đến Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn đổi đời nhưng phần lớn đều bị lừa đảo. Những kẻ buôn người đưa các cầu thủ tới đây, hứa hẹn sẽ cho họ một buổi “thử chân” với các nhà tuyển trạch của một trong những Câu lạc bộ (CLB) bóng đá lớn nhất ở Istanbul. Các cầu thủ phải trả cho những kẻ môi giới 5.000 USD, đổi lại sẽ nhận được visa nhập cảnh dài hạn, chỗ ăn ở và các đầu mối liên lạc với mạng lưới tuyển trạch viên dày đặc ở châu Âu.
Thế nhưng, rất nhiều cầu thủ tới đây trong sự ngỡ ngàng. Kibendo cũng vậy. Không lâu sau khi đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả những gì anh nhận được là một visa đã hết hạn và không hề có cơ hội “thử chân” đúng nghĩa nào. Nếu có, những buổi thử việc đó diễn ra tại những sân bóng nhỏ ở vùng ngoại ô hẻo lánh mà không có bóng dáng của bất cứ nhà tuyển trạch nào. Các cầu thủ trẻ mang trong mình tràn trề hy vọng đã chơi bóng trong nhiều giờ liền. Nhưng khi kết thúc, họ được nói rằng đã bỏ lỡ cơ hội, mặc cho sự thật là không hề có cơ hội nào.
Đa phần cầu thủ trẻ đều xuất thân ở những vùng nghèo khó của châu Phi và nhận được sự giúp đỡ về tài chính của người thân, thậm chí là cả người dân trong làng với hy vọng rằng, khi thành công, họ sẽ trở về giúp đỡ những người cùng quê hương thoát khỏi cảnh khốn cùng. Thế nhưng, sự thật phũ phàng, các chàng trai trẻ này bị mắc kẹt tại Istanbul và sẵn sàng làm bất kỳ loại công việc nào chỉ để tồn tại. Nhiều chân sút triển vọng ngày nào vào làm việc bất hợp pháp ở các nhà máy và thường bị tống tiền bởi các băng đảng tội phạm.
Tìm lại tình yêu trái bóng
Những đường dây buôn người dưới hình thức đưa cầu thủ từ châu Phi sang Thổ Nhĩ Kỳ không còn là chuyện mới mẻ, và ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi. Những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm nóng tị nạn của dòng người nhập cư từ các lục địa khác. Khoảng 3,6 triệu người từ Syria, hàng chục nghìn người ở các nước Trung Á và Tây Á khác đang đi tìm cuộc sống mới mà không có bất cứ giấy tờ pháp lý hợp pháp nào. Vì thế, những người châu Phi chưa bao giờ là mối bận tâm hàng đầu của giới chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ.
May mắn thay, cộng đồng người châu Phi tại Istanbul đã và đang chung tay đẩy lùi tệ nạn này. Trong đó có Julius Kugor, một cựu cầu thủ, hiện anh đang là người đi đầu trong cộng đồng châu Phi với các chiến dịch ngăn chặn nạn buôn người.
Kugor từng viết thư rất nhiều tới các đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp lãnh thổ châu Phi nói về tình trạng trên, tuy nhiên mọi thứ vẫn vậy, các cầu thủ trẻ châu Phi vẫn lũ lượt đến Istanbul. Nhưng điều đó không thể cản Kugor và các cộng sự giúp đỡ các cầu thủ lầm lỡ và bất hạnh kia.
Suốt 15 năm qua, Kugor tổ chức một giải đấu bóng đá liên lục địa châu Phi thu nhỏ tại Istanbul. Ban đầu chỉ có 6 quốc gia tham gia, nhưng hiện nay con số đã lên tới 16. Mục đích chính của giải đấu là đưa tên tuổi những cầu thủ lỡ “lầm đường lạc lối” tới gần hơn các đội bóng chuyên nghiệp. Cứ mỗi khi giải đấu diễn ra, các tuyển trạch viên tới từ các CLB khắp Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước lân cận như Gruzia, Azerbaijan và Bulgaria đều tụ tập tại sân vận động Ferikoy, Istanbul để tìm kiếm những cầu thủ tài năng mà giá lại rẻ. Thường thì, mỗi khi giải đấu kết thúc, khoảng chục cầu thủ sẽ tìm được bến đỗ mới.
Tiền vệ trái Sani Gideon, 29 tuổi, quốc tịch Nigeria là một trong những người thành công nhờ chương trình Kugor xây dựng. Từ chàng trai trẻ với mức lương vài USD một ngày, Gideon đã trưởng thành trên nền cỏ nhấp nhô ở Ferikoy, lọt vào mắt xanh của Akhisarspor và có 4 năm chơi bóng đỉnh cao ở giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi khi có cơ hội, Gideon đều quay lại với giải đấu này và giúp đỡ các cầu thủ trẻ ở đội Nigeria.
Vận may vẫn chưa đến với Kibendo. Anh chưa thể tìm cho mình một đội bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ mặc cho việc từng là một cầu thủ chuyên nghiệp ở Angola. Đôi lúc, tài năng không phải tất cả. Nhiều CLB ở các giải hạng thấp thường không ký hợp đồng với các cầu thủ ngoại quốc do vấn đề giấy tờ và thiếu tài chính.
Không giấu đi tâm trạng buồn chán nhưng Kibendo sẽ không từ bỏ. “Nếu không thể ở đây, tôi sẽ lên thuyền và đi tới Hy Lạp. Tất nhiên, tôi có thể sẽ bỏ mạng trên biển nhưng nếu đó là điều phải làm, tôi sẽ làm”, Kibendo bộc bạch.
| Điểm mặt 10 cầu thủ xuất sắc nhất thập kỷ 2010: Messi, Ronaldo ai hơn ai? TGVN. Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và top 10 cầu thủ xuất sắc nhất thập kỷ 2010, theo bình chọn của trang Daily Mail. |
| Giáng sinh ấm áp với tấm lòng hảo tâm của cầu thủ Chelsea TGVN. Mới đây, CLB Chelsea đã chính thức trở thành đội bóng quyên góp từ thiện nhiều nhất nước Anh trong vòng một năm qua. |
| Nguy cơ cực đoan hóa trực tuyến lan rộng tại châu Phi Trong bối cảnh mức độ phổ biến của mạng xã hội ngày càng tăng do sự phát triển của Internet và sự phổ cập của ... |