📞

Thành tích kinh tế - 'Lá bài' mạnh nhất của Tổng thống Emmanuel Macron

Vân Hải 14:10 | 22/02/2022
Tổng thống Macron sẽ phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại vào tháng Tư tới và hoàn thành công việc mà ông đang tiến hành để đại tu nền kinh tế Pháp.

Trong khi các đối thủ của ông Macron tập trung vào lĩnh vực tội phạm và nhập cư không kiểm soát, cũng như giá sinh hoạt tăng gần đây, thì các đồng minh của ông Macron tin rằng, thành tích kinh tế của ông là một trong những "con bài" mạnh nhất mà ông phải theo đuổi khi tìm cách tái tranh cử.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Financial Times)

Dấu ấn cải cách

Các cải cách của Tổng thống Macron, bắt đầu trước khi nổ ra các cuộc biểu tình “Áo vàng” vào năm 2018 và phần lớn được ban hành trước đại dịch Covid-19, đã làm cho việc thuê và sa thải nhân công trở nên dễ dàng hơn, cắt giảm thuế vốn và trợ cấp thất nghiệp.

Pháp đã có một sự phục hồi trở lại đáng chú ý sau đại dịch, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức trước khủng hoảng vào mùa Thu năm ngoái - nhanh hơn so với các nơi khác ở châu Âu.

Trong một chiến lược mà ông Macron gọi là “bất cứ giá nào”, chính phủ đã chi mạnh tay trong suốt cuộc khủng hoảng để giúp các doanh nghiệp trụ vững và giữ nhân viên làm việc, sau đó đưa ra kế hoạch chấn hưng nền kinh tế trị giá 100 tỷ Euro để tăng cường hoạt động trong các lĩnh vực từ xây dựng đến ô tô.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã xuống thấp trở lại như trước thời kỳ dịch Covid-19, ở mức dưới 8% lực lượng lao động, mức thấp nhất trong hơn một thập niên. Chính phủ cho biết, 1 triệu việc làm trong khu vực tư nhân đã được tạo ra kể từ năm 2017.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói: “Những lựa chọn chiến lược mà chúng tôi đã thực hiện để chuyển đổi nền kinh tế Pháp là những lựa chọn đúng đắn và vào cuối nhiệm kỳ của chúng tôi, bạn có thể thấy kết quả”.

Về đại dịch Covid-19, ông nói thêm: "Mọi người đều chỉ trích nhà nước trước cuộc khủng hoảng nhưng rất vui khi thấy nó hoạt động trong cuộc khủng hoảng".

Những nghi ngờ

Những người ủng hộ cho rằng nhiệm kỳ thứ hai dành cho ông Macron, người dẫn đầu trong cuộc đua bầu cử, sẽ mở ra con đường cho Pháp xóa bỏ danh tiếng về sự xơ cứng công nghiệp và sự thù địch với các thị trường tự do.

Các đối thủ chính trị của Tổng thống đương nhiên nghi ngờ hơn. Ở bên trái, ông Macron có thể sẽ mất phiếu bầu từ những người ủng hộ trước đây, những người hiện đã coi ông là “tổng thống của người giàu” với việc bãi bỏ thuế tài sản vào năm 2018.

Ứng cử viên bảo thủ Valérie Pécresse - người được các cuộc thăm dò dư luận trao cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp - nói rằng, việc ông Macton chi tiêu khẩn cấp cho đại dịch đang đè nặng lên nước Pháp với hàng núi nợ công tương đương gần 116% GDP vào năm 2021.

Với bộ máy nhân sự công và các phúc lợi an sinh xã hội hào phóng, chi tiêu của chính phủ Pháp ở mức hơn 55% GDP, vẫn cao hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp phát triển nào (trừ Áo).

Hơn nữa, các cử tri bình thường không cảm thấy họ đã trở nên giàu có hơn dưới thời Tổng thống Macron, mặc dù dữ liệu của chính phủ cho thấy sức mua của người tiêu dùng đã tăng 8% trong nhiệm kỳ của ông, nhanh hơn so với bất kỳ những người tiền nhiệm gần đây của mình.

Bộ trưởng Le Maire nói, một lý do khiến chính phủ phản ứng “quá mạnh mẽ” về giá năng lượng là để bảo vệ người dân và đảm bảo rằng những thành tựu kinh tế của họ không bị “lu mờ bởi một cú sốc bên ngoài”.

Các đối thủ của ông Macron cho rằng, nhiệm kỳ tổng thống đã giảm chi tiêu như một trò chơi để thúc đẩy khả năng tái tranh cử của ông.

Ông Macron đặt cược rằng, sự phục hưng công nghiệp của Pháp - mặc dù phải mất nhiều năm mới có kết quả - sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng lâu dài bằng cách tạo ra nhiều việc làm có tay nghề cao hơn và cũng sẽ giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào các nhà cung cấp nước ngoài, một lỗ hổng được phơi bày nghiêm trọng, do thiếu nguồn cung cấp khẩu trang và các loại thiết bị y tế khác khi bắt đầu đại dịch.

Một số nhà kinh tế đặt câu hỏi về mức độ thực tế, khi đóng góp của ngành công nghiệp vào nền kinh tế Pháp giảm một nửa từ năm 1970 đến năm 2020.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Pháp tăng 1/3 lên mức kỷ lục 84,7 tỷ Euro vào năm 2021, khi các nhà sản xuất mất thị phần xuất khẩu, tạo ra điều mà thậm chí ông Le Maire đã thừa nhận là “một vết đen” đối với nền kinh tế, cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy ngành công nghiệp càng nhanh càng tốt.

Quốc gia khởi nghiệp

Ông Le Maire ví những cải cách kinh tế được đưa ra kể từ năm 2017 với một tòa nhà nhiều tầng chưa hoàn thành ở tầng trệt, bằng việc cắt giảm thuế vốn, gồm cả việc bỏ thuế tài sản, và giảm thuế doanh nghiệp 8 điểm phần trăm xuống 25%.

Giai đoạn tiếp theo là “Loi Pacte” toàn diện - một gói sáng kiến được thiết kế nhằm phi quản lý khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ - lĩnh vực mà Pháp dường như thua kém các nước láng giềng như Đức và Italy.

Chính phủ cũng đã nới lỏng các quy tắc thị trường lao động để khuyến khích các doanh nghiệp thuê nhân viên mới.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire (giữa) thăm một nhà máy sản xuất ô tô của Pháp. (Nguồn: AFP)

Ông Franck Riester, một cựu chính trị gia của đảng bảo thủ Les Républicains, hiện là Bộ trưởng chịu trách nhiệm về ngoại thương và đầu tư trong nước, nói: “Chúng tôi ủng hộ những loại biện pháp này trong nhiều năm nhưng không đưa được thành hiện thực. Tuy nhiên, ông Macron thực sự đã làm được”.

Các nhà đầu tư báo cáo một sự thay đổi lớn trong thái độ chính thức đối với kinh doanh và nói rằng chính phủ dường như muốn giúp đỡ các doanh nhân của đất nước.

Từ mức thấp vào năm 2017, Pháp hiện có hơn 25 công ty khởi nghiệp công nghệ, mỗi công ty khởi nghiệp với giá trị thị trường hơn 1 tỷ USD, bao gồm Ledger - nhà cung cấp dịch vụ ví tiền điện tử, Doctolib - ứng dụng đặt hẹn khám bệnh trực tuyến và Exotec - công ty phát triển robot cho nhà kho.

Giám đốc điều hành của một công ty công nghiệp Pháp đang ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của ông Macron cho biết: “Bầu không khí dành cho các công ty khởi nghiệp giống như đêm và ngày kể từ khi ông Macron gia nhập”.

Một ông chủ khác của công ty, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, cho biết thêm: “Tôi nghĩ ông Macron đã thực sự thay đổi mọi thứ. Ông ấy có cảm giác về sự ổn định của quy định và đã đơn giản hóa các quy tắc”.

Kết quả của những cải cách như vậy, một vài trong số đó bắt đầu dưới thời những người tiền nhiệm của ông Macron, từ khi trước đại dịch, dưới hình thức tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.

Và sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Macron đã thuyết phục cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác về sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi đại dịch Liên minh châu Âu (EU) trị giá 750 tỷ Euro, được tài trợ bởi nợ chung của EU. Điều này cũng đã thúc đẩy các nền kinh tế châu Âu.

Tham vọng cải cách

Chính phủ biết cần phải làm nhiều hơn nữa để cải cách nền kinh tế Pháp và thu hẹp khoảng cách với hiệu suất công nghiệp của Đức.

Mục tiêu tiếp theo - tầng cao nhất trong cấu trúc cải cách của ông Le Maire - là toàn dụng lao động, nghĩa là hiện đại hóa sâu sắc hệ thống giáo dục, đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và tăng cường dịch chuyển lao động.

Cải cách lương hưu - nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên ít nhất 64 - là một trong những mục lớn chưa hoàn thành trong chương trình nghị sự của Tổng thống Macron.

Đại dịch đã làm tan biến nỗ lực đầy tham vọng của ông nhằm hợp nhất 42 chương trình lương hưu riêng biệt thành một hệ thống duy nhất, công bằng hơn. Nhưng ngay cả trước khi có đại dịch Covid-19, kế hoạch này đã bị đình trệ bởi các cuộc phản đối gây rối từ những người lao động trong các chương trình hào phóng nhất.

Ông Macron dự kiến sẽ thử lại với một kế hoạch ít tham vọng hơn và chưa được xác định về cải cách lương hưu nếu tái đắc cử.

Ứng cử viên bảo thủ, bà Valérie Pécresse, cũng đã tuyên bố sẽ có một cuộc cải cách, nâng tuổi nghỉ hưu lên 65.

Các vấn đề cấu trúc khác vẫn tồn tại. Chính phủ của ông Macron đã loại bỏ 10 tỷ Euro trong số 70 tỷ Euro “thuế sản xuất”, gây ảnh hưởng nặng nề đến các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ.

Các loại thuế này, đánh vào đất đai, doanh thu hoặc nhân viên bất kể lợi nhuận, chiếm 1/4 doanh thu thuế của nhà nước Pháp từ kinh doanh và cao hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào của EU, trừ Thụy Điển. Hầu hết các đối thủ của Tổng thống Macron cũng ủng hộ việc cắt giảm thêm các loại thuế này.

Nhưng tài trợ cho việc cắt giảm thuế tiếp theo sẽ không dễ dàng. Bộ trưởng Le Maire thừa nhận rằng, việc khôi phục trật tự tài chính công phải là ưu tiên chính của chính phủ cùng với quá trình công nghiệp hóa nếu ông Macron tái đắc cử.

Giá năng lượng tăng vọt trong mùa Đông này cũng là một lời nhắc nhở đau xót về việc các kế hoạch tốt nhất có thể bị loại bỏ dễ dàng như thế nào.

(theo Financial Times)