📞
Đồng USD vẫn giữ vị thế chủ chốt

Thanh toán quốc tế:

15:03 | 08/04/2009
"Việt Nam có một đồng tiền mạnh, có khả năng chuyển đổi cao là mục tiêu đặt ra không chỉ bây giờ, mà đã từ rất lâu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần những bước đi mạnh mẽ hơn..." - TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho biết.

- Vậy, thưa ông, để đồng tiền của một quốc gia có khả năng tự do chuyển đổi cần những yếu tố nào? Ông nhận định như thế nào về việc Trung Quốc vừa thử nghiệm sử dụng nhân dân tệ (NDT) trở thành một trong những đồng tiền trong thanh toán quốc tế? - Một đồng tiền tự do chuyển đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó gắn liền với sức mạnh kinh tế của quốc gia như quy mô kinh tế lớn, tự do hóa các giao dịch vãng lai, nới lỏng các giao dịch tài khoản vốn; chế độ tỉ giá hối đoái phải linh hoạt (thường là tỉ giá thả nổi) và phải có thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường hối đoái mở. Hiện Thụy Sĩ quy mô kinh tế không lớn, nhưng GDP bình quân đầu người cao, hệ thống tài chính mạnh nên đồng france Thụy Sĩ là một đồng tiền mạnh. Cũng có nhiều quốc gia GDP bình quân đầu người cao, nhưng kinh tế vĩ mô không ổn định nên đồng tiền các quốc gia này có khả năng chuyển đổi rất thấp. Trung Quốc hiện là một quốc gia có GDP đứng thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản, có hệ thống tài chính mạnh, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát thấp. Đây là điều kiện tốt để đồng NDT hướng đến đồng tiền tự do chuyển đổi. Việc thử nghiệm NDT trở thành một trong những đồng tiền trong thanh toán quốc tế là thành công bước đầu của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng theo tôi, phải rất lâu nữa NDT mới có thể trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi có uy tín.Riêng với VN, là một nền kinh tế mới nổi, quy mô kinh tế nhỏ và GDP bình quân đầu người còn thấp. Vì vậy, VND có khả năng tự do chuyển đổi ở mức độ hẹp, chủ yếu là giá trị thanh toán biên mậu. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang có một chiến lược dài hạn để nâng cao tính chuyển đổi của VND. Theo đó, bước đầu xây dựng cơ chế để VND tham gia thanh toán xuất nhập khẩu, tham gia vào vay trả nợ nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Hiện việc tự do hóa các giao dịch vãng lai đã được áp dụng và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận. Việc nới lỏng dần tài khoản vốn cũng được xây dựng và về căn bản không có sự ngăn cản dòng vốn ra vào. Với chính sách tỉ giá, các loại ngoại tệ về cơ bản tỉ giá đã được tự do, duy chỉ có USD đang được kiểm soát linh hoạt theo biên độ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngoài ra, nước ta cũng đang từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm giao dịch tiền tệ lớn của cả nước và khu vực, hướng đến một thị trường tài chính, thị trường hối đoái mở thông thương với thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.- Theo ông, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế Mỹ có ảnh hưởng gì đến vị thế đồng USD trên thị trường quốc tế?- Hiện nay, vị thế của USD vẫn còn rất mạnh trên thị trường quốc tế. Tất nhiên có sự suy giảm trong tương lai với sự tham gia của các đồng tiền khác như EUR, yen Nhật và với cả NDT của Trung Quốc. Điều này thể hiện qua cơ cấu dự trữ ngoại tệ của các quốc gia, USD từ là một đồng tiền dự trữ tuyệt đối thì hiện chỉ chiếm 60-70% trong tổng dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia. Nhưng điều đó cho thấy USD vẫn là một đồng tiền mạnh.Hiện sức mạnh của USD còn phụ thuộc vào nợ nước ngoài của Chính phủ Mỹ, nợ nước ngoài càng lớn thì uy tín của USD càng giảm. Cuộc khủng hoảng tài chính đã đẩy nền tảng tài chính của Mỹ đến bờ vực sụp đổ, buộc Chính phủ Mỹ phải bơm tiền giải cứu hệ thống tài chính làm thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng. Hạn mức thâm hụt lên đến 11.500 tỉ USD, trong khi GDP của Mỹ chỉ khoảng 14.000 tỉ USD. Điều này buộc Chính phủ Mỹ phải phát hành trái phiếu để huy động tiền bù đắp thâm hụt ngân sách. Việc huy động cũng có giới hạn, vì món tiền huy động mới phải hoàn trả cho món tiền huy động cũ. Điều này khiến dự trữ USD trên thị trường quốc tế giảm sút chút ít. Tất nhiên, Mỹ sẽ có chiến lược giảm thâm hụt ngân sách lấy lại uy tín của USD vào những chu kỳ tài chính sau. Theo tôi, về cơ bản USD vẫn là đồng tiền mạnh, giữ vị trí chủ chốt trong thanh toán quốc tế hiện nay và trong tương lai gần.- Quý I/2009, tỉ giá USD đã biến động khoảng 4%, ông nghĩ gì khi có nhiều ý kiến cho rằng mức biến động tỉ giá USD năm nay sẽ cao hơn năm ngoái?- Muốn biết tỉ giá hối đoái biến động nhiều hay ít phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất là cán cân thanh toán. Nếu cán cân thanh toán quốc tế dư thừa thì sức ép tỉ giá hối đoái rất nhỏ, trái lại nếu cán cân thanh toán quốc tế dư thừa thì sức ép thực thể và tăng tỉ giá hối đoái rất lớn. Ngoài ra, cần phải xem thanh khoản ngoại tệ của quốc gia trong tình trạng như thế nào. Thanh khoản ngoại tệ được thể hiện qua dự trữ ngoại tệ phải lớn hơn hoặc bằng tiền gửi ngoại tệ của dân cư cộng với nợ ngắn hạn. Theo tôi, cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 sẽ là cân bằng hoặc thâm hụt không đáng kể. Lý do, tăng trưởng kinh tế thấp, nhập khẩu giảm rất mạnh và thâm hụt cán cân vãng lai dự kiến giảm xuống 4% GDP, đồng thời đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có thể giảm xuống 4% GDP. Riêng thanh khoản ngoại tệ không có vấn đề gì lớn, tiền gửi ngoại tệ hiện nay khoảng 18 tỉ USD và nợ ngắn hạn khoảng 2 tỉ USD, tức bằng hoặc thấp hơn dự trữ ngoại tệ. Như vậy, sức ép về tăng tỉ giá hối đoái là không lớn. Tuy nhiên, sức ép tâm lý để làm tăng tỉ giá hối đoái rất đáng kể do chính sách lãi suất, cơ chế điều hành tỉ giá hối đoái và những biến động tài chính khiến cho dân chúng và NĐT giảm lòng tin đối với VND. Điều này có thể có tác động nhất định đến tỉ giá hối đoái trong ngắn hạn.- Vậy NHNN và các DN cần làm gì để hạn chế rủi ro khi tỉ giá hối đoái biến động? - Trong trường hợp có những biến động tăng về tỉ giá thì có thể có những thiệt hại và tổn thất nhất định đối với DN nhập khẩu, DN vay ngoại tệ và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ. Tất nhiên, việc tăng tỉ giá hối đoái cũng có lợi cho xuất khẩu, nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu là nguồn ngoại tệ chủ yếu để tài trợ nhập khẩu, trả nợ nước ngoài và nguồn cung chủ yếu của một quốc gia. Để hạn chế rủi ro, NHNN nên cần có những phân tích, dự báo tốt, công khai thông tin và tuyên truyền chính sách để dân chúng và cộng đồng DN có lòng tin cao hơn vào VND. Riêng các DN cần phải có dự phòng rủi ro về tỉ giá hối đoái bằng cách đa dạng hóa các công cụ thanh toán. Nếu vay nợ nước ngoài, phải tính đến rủi ro tỉ giá hối đoái trong phương án tài chính. Cụ thể, phải đưa biến động tỉ giá hối đoái dự kiến vào như là một chỉ tiêu để tính toán đến hiệu quả của phương án đầu tư...- Xin cảm ơn ông!Theo Lao Động