Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win giải đáp các thắc mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự sự kiện. (Ảnh: Hạ An) |
Sự kiện được tổ chức nhân dịp đoàn doanh nghiệp Myanmar sang Việt Nam tham dự Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2023 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội.
Tham dự sự kiện, về phía Myanmar có Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win, tham tán kinh tế cùng đại diện một số doanh nghiệp Myanmar hoạt động trong ngành thủ công, mỹ nghệ, nông nghiệp...Về phía Việt Nam có Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar Chu Công Phùng cùng đại diện 8 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh, làm ăn tại Myanmar.
Trao đổi tại sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, hai khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp hiện đang gặp phải là vấn đề về cấp giấy phép xuất nhập khẩu và thanh toán, mong muốn phía Đại sứ quán Myanmar cùng tìm cách tháo gỡ để doanh nghiệp có thể yên tâm làm ăn tại nước sở tại.
Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win khẳng định, rất coi trọng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam. Đại sứ thừa nhận tình hình hiện nay rất khó khăn do Chính phủ Myanmar đang phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, đối ngoại... Vì vậy, Đại sứ mong các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục gắn bó và bình tĩnh chờ đợi, đồng thời thường xuyên liên lạc với bộ phận tham tán kinh tế để tháo gỡ khó khăn, khai phá các mối quan hệ thương mại, đầu tư mới.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar Chu Công Phùng hy vọng, thời gian tới Myanmar sẽ sớm ổn định được tình hình chính trị trong nước để đưa quan hệ thương mại giữa hai bên quay lại thời kỳ sôi động như trước đây.
Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Myanmar đạt 489 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win và Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar Chu Công Phùng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar. (Ảnh: Hạ An) |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 311 triệu USD, giảm 15% và nhập khẩu đạt 178 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phương tiện vận tải phụ tùng, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị và dụng cụ, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, dây điện và cáp điện, chất dẻo nguyên liệu…
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, tình hình nhập khẩu của Myanmar từ các nước nói chung đều gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng: Tiếp tục chủ động làm việc qua kênh các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp phân phối, các nhà thầu, siêu thị và doanh nghiệp đối tác khác của Myanmar nhằm kết nối với các nhà cung cấp của Việt Nam.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong nước hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu dự án trong các gói thầu, dự án nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhật là các mặt hàng máy móc, thiết bị điện, dây cáp điện, sắt thép và vật liệu xây dựng; tổ chức các hoạt động giao thương, đoàn doanh nghiệp hai nước, tham dự các hội chợ.