Toàn cảnh Diễn đàn phát triển kinh doanh: "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp". (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi của kinh tế thế giới, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhằm góp phần phản ánh bức tranh về thực trạng kinh tế thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, nhận diện những thách thức và cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, với sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn phát triển kinh doanh: "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp".
Khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, do các biến động phức tạp về địa chính trị thế giới và các thị trường lớn của Việt Nam đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 3,72%. Đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 - thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...
“Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phòng nói.
Cũng tại diễn đàn, VCCI đề xuất một số giải pháp lớn cần thực hiện như tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh, tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của nhà nước.
Song song đó, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Cuối cùng là đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, hiện nay, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thậm chí là suy thoái.
Xuất phát từ những khó khăn từ thực tiễn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ban hành nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng. Song vấn đề đặt ra là các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng có thể chưa thực tế đối với một số ngành nghề, đối tượng.
Thêm vào đó, nội tại của các doanh nghiệp được thụ hưởng tiếp cận thế nào và năng lực hấp thụ. Năm 2023 Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng một số doanh nghiệp nhà nước và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa để nắm bắt tình hình thực tế, ghi nhận những kiến nghị đề xuất để kịp thời điều chỉnh chính sách, giúp tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo ông Long, với quan điểm Chính phủ tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, coi việc tháo gỡ các rào cản khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; đảm bảo bình ổn, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm trọng điểm.
Trước mắt, với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa công ăn việc làm và các yếu tố khác nên các doanh nghiệp cần phải được khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công. Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng đã được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tái cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.