📞

Thất nghiệp - bài toán khó trước thềm bầu cử Đức

16:51 | 18/09/2017
Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tới, Đức đang đứng trước một loạt các vấn đề, nổi cộm là tình trạng thất nghiệp. 

Thứ 6 hàng tuần, hàng chục người thất nghiệp đã đổ về một nhà thờ ở quận Garath thuộc thành phố Duesseldorf, miền Tây nước Đức, nơi tập trung của tầng lớp lao động để tiếp nhận thực phẩm được ủng hộ. Họ đang là những người bị bỏ lại bên lề nền kinh tế đang bùng nổ.

Thất nghiệp không phải là vấn đề nhỏ trong lòng xã hội Đức hiện tại. (Nguồn: The Business Times)

Số lượng người thất nghiệp ở Đức đã giảm phân nửa kể từ năm 2005, nhưng một “bộ phận nòng cốt” khoảng 900.000 người đang tìm kiếm việc làm trong hơn một năm qua đã cho thấy sự khó khăn để giải quyết tình trạng này.

Hơn nữa, đây đã trở thành vấn đề tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/9 tới, bởi Thủ tướng Angela Merkel đã hứa hẹn rằng nền kinh tế có thể tạo ra đủ công ăn việc làm vào năm 2025 - một phần qua việc tăng cường sự giúp đỡ cho những người thất nghiệp dài hạn. Đối thủ Martin Schulz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã cam kết nới lỏng chi tiêu công cho công tác đào tạo chuyên nghiệp để đấu tranh chống lại nạn thất nghiệp. 

Việc đưa người lao động trở lại làm việc là một thách thức lớn ở Duesseldorf cũng như ở nhiều nơi khác tại Đức. Khoảng 7,5% người dân ở Duesseldorf không có việc làm, cao hơn mức trung bình cả nước là 5,7%. Khoảng 640.000 người, 1/8 dân số thành phố này sống dựa vào phúc lợi xã hội. 

Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch SPD Martin Schulz - hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang Đức đang nỗ lực đưa ra giải pháp cho tình trạng thất nghiệp. (Nguồn: PDA)

Các trung tâm việc làm được tạo ra sau các cải cách thị trường lao động hồi năm 2005 do cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder khởi xướng là cơ chế một cửa cho phúc lợi xã hội. Mỗi người nhận được 409 Euro (490 USD) mỗi tháng, cộng thêm phần hỗ trợ cho phí thuê nhà, tiền điện và phí đi lại để giúp những người thất nghiệp tìm kiếm việc làm. 

Ingo Zielonkowsky, Giám đốc trung tâm việc làm Duesseldorf cho biết: “2/3 khách hàng của chúng tôi không có bằng cấp chuyên nghiệp, và 1/3 không có bằng tốt nghiệp trung học. Điều đó khiến việc hội nhập vào một xã hội - nơi những người lao động có trình độ chuyên môn được cần đến nhất - trở nên khó khăn hơn”.

Ông Zielonkowsky đã vui vẻ kể lại chi tiết cách ông đã giúp giảm bớt 25% số người thất nghiệp dài hạn đăng ký tại trung tâm của ông trong vòng 2 năm. Ông giải thích rằng việc đưa những người tìm việc tới thử việc tại các công ty trong khi vẫn duy trì các khoản phúc lợi xã hội đã cho thấy sự thành công, bởi “một nửa số người thử việc được nhận thư mời làm việc”. 

Người dân Đức hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn sau cuộc bầu cử. (Nguồn: BBC)

Những người hy vọng về một kết quả tốt đẹp hơn từ chính phủ liên bang mới có nhiều lựa chọn đề xuất từ các đảng phái chính trị lớn. Ở phe cánh tả, đảng SPD muốn đảm bảo rằng tất cả người lao động có quyền được đào tạo suốt đời trong khi kêu gọi tạo ra thêm 200.000 việc làm được bao cấp.

Ở phe cánh hữu, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel muốn thúc đẩy việc tạo ra các việc làm “có giá trị về mặt xã hội”. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do theo quan điểm tự do về mặt kinh tế đề xuất tăng khoản tiền mà người dân kiếm được trong các “việc làm nhỏ” trước khi phải trả các khoản thuế và đóng góp xã hội cao hơn. 

(theo AFP)