📞

Thấy gì khi Công Phượng, Xuân Trường đầu quân cho các câu lạc bộ ngoại

10:35 | 09/02/2019
Liên tiếp trong những ngày đầu năm, các cầu thủ Việt Nam đạt được thoả thuận với các đội bóng nước ngoài, để khoác áo các đội bóng ngoại từ mùa giải tới. Những bản hợp đồng đấy nhiều khả năng sẽ mở ra kỷ nguyên mới của bóng đá Việt Nam.

Chuyện cầu thủ nội xuất ngoại không phải là chuyện mới, bởi từ nhiều năm về trước, đã có cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.

Nhưng từ chuyện Lê Huỳnh Đức sang Trung Quốc (khoác áo CLB Lifan), Nguyễn Việt Thắng và Lê Công Vinh đến Bồ Đào Nha, cho đến sau này là Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh khoác áo các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc, chủ yếu là giải quyết vấn đề thương mại (Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Huỳnh Đức), hoặc ra đi để tránh áp lực từ dư luận trong nước, sau những scandal của chính cầu thủ ra đi (Việt Thắng và Công Vinh).

Công Phượng lọt vào top 5 cầu thủ ấn tượng nhất vòng tứ kết Asian Cup 2019. (Nguồn: FOX News)

Tuy nhiên, sau thành công của đội tuyển Việt Nam ở các giải AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, vị thế và chất lượng của cầu thủ nội đã thay đổi đáng kể.

Bắt đầu bằng bản hợp đồng của Đặng Văn Lâm đến Muangthong United (Thái Lan), sau đó là Nguyễn Công Phượng gia nhập Incheon United (Hàn Quốc) và giờ là Lương Xuân Trường đầu quân cho Buriram United (Thái Lan), hoặc có thể trong vài ngày tới là Đoàn Văn Hậu nối gót Đặng Văn Lâm đến Muangthong United, tất cả họ được mời gia nhập các giải đấu ngoại bằng chất lượng và đến để thi đấu, chứ không phải là để làm thương mại.

Việc các cầu thủ này xuất ngoại có thể cũng mở ra kỷ nguyên mới cho bóng đá Việt Nam, đó là kỷ nguyên mà cầu thủ nội hoàn toàn có thể thi thố đàng hoàng ở các đội bóng ngoại bằng sự khẳng định về mặt chuyên môn, và bằng sự tự tin sau khi đã thành công ở nhiều sân chơi lớn, kể cả sân chơi châu Á.

Ví dụ như trường hợp của Đặng Văn Lâm, thủ thành Việt kiều này chắc chắn diến Muangthong United để trở thành trụ cột của đội bóng Thái Lan, chứ không phải đến để… “học hỏi” như nhiều đồng nghiệp từng đi trước anh.

Tương tự như thế là trường hợp của Đoàn Văn Hậu, nếu hậu vệ đang khoác áo CLB Hà Nội chính thức đạt được thoả thuận với CLB giàu có đất Chùa Vàng. Cũng giống như Đặng Văn Lâm, trình độ của Đoàn Văn Hậu đã vượt ra ngoài trình độ bóng đá Đông Nam Á, đồng thời điều đó đã được kiểm chứng tại Asian Cup 2019 vốn rất khốc liệt.

Chưa hết, việc thi đấu ở nước ngoài sẽ giúp cho các cầu thủ Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh trận mạc, từ đó quay trở lại giúp ích cho đội tuyển quốc gia mỗi khi đội tuyển tập trung.

Nói gì thì nói, bóng đá Thái Lan vẫn ở trình độ cao hơn các nền bóng đá khác trong khu vực Đông Nam Á. Càng không vì một năm trắng tay của đội tuyển quốc gia xứ Chùa Vàng mà chúng ta chê nền tảng của họ được (ví dụ như tại World Cup 2018, đội tuyển Bỉ thắng cả đội tuyển Brazil lẫn đội tuyển Anh, nhưng chẳng ai dám khẳng định bóng đá Bỉ nhìn chung mạnh hơn bóng đá Anh và bóng đá Brazil).

Nền tảng từ giải quốc nội của Thái Lan càng cao hơn các giải quốc nội của các quốc gia khác ở Đông Nam Á một bậc. Được thi đấu tại Thái Lan, tức là những Đặng Văn Lâm (Muangthong United) hay Lương Xuân Trường (Buriram United) sẽ được đá ở giải đấu có trình độ cao hơn V-League, thậm chí có cơ hội được thi thố tại AFC Champions League danh giá, để từ đó tiến bộ về mặt chuyên môn.

Công Phượng cũng có cơ hội tương tự trong màu áo Incheon United (Hàn Quốc), một đội bóng mạnh tại xứ Hàn và có thể làm nên chuyện ở các cúp châu Á.

Điều đó nói cho cùng đều là điều lợi cho bản thân các ngôi sao kể trên cũng như cho toàn nền bóng đá Việt Nam. Nếu các cầu thủ ấy thành công, làn sóng nội binh ra nước ngoài thi đấu chắc chắn sẽ còn nhiều nữa. Và có thể từ thời điểm này, chúng ta tin rằng cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài là để thi đấu, chứ không còn đơn thuần chỉ để làm thương mại!

(theo Dantri)