Nhỏ Bình thường Lớn

Thấy gì từ 'cuộc hội ngộ của đại gia đình Trung Quốc-châu Phi'?

Thông qua Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi 2024 (FOCAC), Bắc Kinh đang tăng cường đầu tư chiến lược nhằm mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại, củng cố ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực...
Thấy gì từ 'cuộc hội ngộ của đại gia đình Trung Quốc-châu Phi'?
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi 2024 diễn ra từ 4-6/9 với sự tham dự của lãnh đạo Trung Quốc và hơn 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP)

Các nhà lãnh đạo châu Phi tham dự FOCAC 2024 trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt mối quan hệ, mở rộng sức ảnh hưởng tại châu lục này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, FOCAC 2024 là sự kiện ngoại giao lớn nhất mà nước này tổ chức trong những năm gần đây, với số lượng lãnh đạo nước ngoài tham dự đông nhất, đồng thời gọi đây là một “cuộc hội ngộ của đại gia đình Trung Quốc-châu Phi”.

Các thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh trước đây giúp Bắc Kinh có cơ hội tiếp cận độc quyền với thị trường nguyên liệu thô châu Phi. Đổi lại, Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa các nguồn đầu tư vào châu lục này.

Một lá bài ngoại giao

Với chủ đề “Chung tay thúc đẩy hiện đại hóa, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-châu Phi trình độ cao”, Hội nghị xoay quanh các chủ đề như công nghiệp hóa, tiến bộ nông nghiệp, an ninh và hợp tác liên quan đến Sáng kiến Vành đai và con đường, vốn là dự án khổng lồ kết nối nhiều châu lục với Trung Quốc thông qua hợp tác cơ sở hạ tầng.

Bắc Kinh tổ chức một bữa tiệc trọng thể chào đón các vị khách cấp cao, một lễ khai mạc, 4 hội nghị thượng đỉnh chung và một số cuộc họp song phương giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo châu Phi.

FOCAC 2024 diễn ra vào thời điểm Trung Quốc phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ và châu Âu tại châu Phi cùng các khu vực đang phát triển khác trong quá trình cạnh tranh vị thế lãnh đạo toàn cầu. Mặc dù Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh định kỳ nhằm thu hút các nhà lãnh đạo châu Phi, nhưng nếu xét trên vai trò đối tác kinh tế, Trung Quốc vẫn luôn ở vị thế “bất khả chiến bại”.

Theo bà Jana de Kluiver, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu an ninh có trụ sở tại Nam Phi, FOCAC 2024 là cơ hội để Bắc Kinh thể hiện sức ảnh hưởng trên vũ đài chính trị quốc tế. Việc gắn kết với các nhà lãnh đạo châu Phi đóng vai trò như một lá bài ngoại giao của Trung Quốc tại Liên hợp quốc.

Bà Kluiver cho biết, sức mạnh từ các phiếu bầu trong Đại hội đồng Liên hợp quốc khiến châu Phi ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc. Hơn hết, những bức ảnh chung với các nhà lãnh đạo, những tiêu đề lớn trên mặt báo càng khiến Bắc Kinh thể hiện mối quan hệ gần gũi với các quốc gia châu Phi, cũng như tăng cường sức ảnh hưởng trong các quyết định tại Liên hợp quốc.

Trên phương diện kinh doanh, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới muốn thu hút các nhà lãnh đạo châu Phi bằng nhiều khoản đầu tư để tiếp cận tốt hơn với những khoáng sản quan trọng như lithium, đồng và coban, vốn là tài nguyên mà Bắc Kinh đang khai thác tại CHDC Congo, Zimbabwe, Botswana... Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể thúc đẩy xuất khẩu nhiều sản phẩm do nước này sản xuất hơn nữa, đặc biệt là sản phẩm năng lượng tái tạo và công nghệ.

Các quốc gia châu Phi sẽ tìm cách yêu cầu Bắc Kinh giải quyết những cam kết chưa được thực hiện tại các kỳ FOCAC trước. Một số quốc gia như CHDC Congo muốn duy trì sự hiện diện của các công ty Trung Quốc tinh chế nguyên liệu thô tại nước này, nhằm mang lại nhiều doanh thu và cung cấp cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ châu Phi.

Trong tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi, các nhà lãnh đạo của Togo, Mali, Comoros, Djibouti và đặc biệt là Tổng thống Bola Tinubu của Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi 2024: Kỳ vọng gì giữa các bên tham gia?
Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 4/9. (Nguồn: Reuters)

Những khoản vay dang dở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Khoảng 1/4 lượng xuất khẩu của châu lục, chủ yếu là khoáng sản, nhiên liệu và kim loại, được xuất sang quốc gia Đông Bắc Á và khoảng 16% hàng nhập khẩu đến từ đất nước tỷ dân này. Khối lượng thương mại hằng năm có thể đạt 300 tỷ USD vào năm 2035.

Bắc Kinh cũng là chủ nợ lớn nhất của châu Phi. Từ năm 2006-2021, Trung Quốc cam kết đầu tư 191 tỷ USD vào các quốc gia châu Phi. Năm 2021, tại kỳ FOCAC ở Senegal, Trung Quốc hứa hẹn đầu tư tổng cộng 40 tỷ USD vào các quốc gia châu lục này. Trong một số trường hợp, các khoản đầu tư diễn ra dưới dạng tài trợ, tín dụng và vay mượn để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Theo các nhà phân tích tại Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi thuộc Đại học John Hopkins, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã vượt qua mức đầu tư của Mỹ trong hơn một thập niên qua. Song các khoản đầu tư của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối tại nhiều quốc gia, đặc biệt liên quan đến vấn đề môi trường.

Tiêu biểu như vào tuần trước, các nhà hoạt động ở Uganda đã biểu tình và tuần hành đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Kampala nhằm phản đối dự án đường ống vận chuyển dầu thô từ Uganda sang nước láng giềng Tanzania. Đường ống do một công ty nhà nước Trung Quốc, công ty năng lượng và dầu khí Pháp Total, cũng như chính phủ Tanzania và Uganda điều hành. Đây được xem là đường ống dầu nóng dài nhất thế giới, nhưng dự án có thể khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và ảnh hưởng tới môi trường.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với các chỉ trích về việc không ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép ở một số quốc gia châu Phi. Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường có trụ sở tại Mỹ tháng 5/2024 cho thấy, việc vận chuyển gỗ trái phép từ Mozambique sang Trung Quốc gia tăng đáng kể từ năm 2017.

***

FOCAC 2024 không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và các quốc gia châu Phi, mà còn phản ánh rõ ràng chiến lược dài hạn của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Đây cũng cơ hội để quốc gia tỷ dân củng cố vai trò như một đối tác quan trọng trong phát triển kinh tế và chính trị châu Phi, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu của mình. Trong khi đó, châu Phi có thể kỳ vọng vào việc nhận được sự hỗ trợ tài chính và đầu tư cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italy: Chương trình nghị sự dày đặc, bàn chiến thuật 'nóng hổi' của Ukraine, Trung Quốc là một tâm điểm

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italy: Chương trình nghị sự dày đặc, bàn chiến thuật 'nóng hổi' của Ukraine, Trung Quốc là một tâm điểm

Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra tại Italy là dịp để các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trên thế giới tìm sự ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung ...

Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh SCO

Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh SCO

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ thăm Trung Á từ ngày 29/6-7/7, với điểm dừng đầu tiên là Uzbekistan.

Chủ tịch Trung Quốc thăm 2 nước Trung Á, dự Hội nghị thượng đỉnh SCO

Chủ tịch Trung Quốc thăm 2 nước Trung Á, dự Hội nghị thượng đỉnh SCO

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30/6 thông báo Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, sẽ tham ...

Sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 giữa Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc

Sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 giữa Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc

Ngày 3/9, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm Hàn Quốc vào cuối tuần này để ...

(theo Al Jazeera)