Nền kinh tế Nga vẫn cho thấy nhiều tín hiệu ổn định trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây. |
Phương Tây đã liên tiếp áp đặt các đợt trừng phạt chưa từng có với nền kinh tế Nga sau khi chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Mỹ đã cấm xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang Nga. Các công ty, tập đoàn quốc tế lần lượt rút khỏi đây. Một số quốc gia đóng băng 60% dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương Nga. Đặc biệt, Mỹ và phương Tây đã dùng nhiều cách để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của xứ bạch dương, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế. Mục tiêu của họ là gây sức ép tối đa lên chính quyền Tổng thống Putin.
Thời gian đầu, các lệnh trừng phạt này đã để lại tác động đáng kể tới kinh tế Nga. Một tuần sau khi xung đột nổ ra, tỷ giá đồng Ruble đã giảm tới 1/3 so với đồng USD. Giá cổ phiếu nhiều công ty Nga đã lao dốc.
Nhiều người đã nghĩ về một viễn cảnh xám màu cho nền kinh tế của xứ bạch dương. Liệu sự thực có phải vậy?
Bất ổn tạm lắng
Tại Nga, bất ổn dường như đã tạm lắng. Giá trị đồng Ruble đã tăng vọt và hiện đã phục hồi gần đến mức trước xung đột. Chỉ số chuẩn của chứng khoán Nga đã giảm 1/3, nhưng sau đó đã tăng trở lại. Chính phủ và hầu hết doanh nghiệp đang thực hiện thanh toán bằng trái phiếu ngoại tệ. Từng đua nhau rút tiền khỏi các ngân hàng với tổng trị giá gần 3.000 tỷ Ruble (31 tỷ USD), song giờ đây người dân đã bắt đầu gửi tiền trở lại.
Sự ổn định này đến từ hàng loạt chính sách ổn định thị trường của Moscow. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% và khuyến khích người dân gửi tiền vào tài khoản. Các nhà xuất khẩu phải chuyển đổi 80% số tiền thu được từ ngoại hối thành đồng Ruble. Chính phủ Nga cũng áp đặt các lệnh cấm bán khống, đồng thời cấm những người không cư trú bán cổ phiếu, ít nhất là đến ngày 1/4/2022.
Một số thống kê cơ bản về nền kinh tế Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. (Nguồn: The Economist) |
Nền kinh tế Nga thậm chí còn ổn định hơn những gì diễn ra trên thị trường tài chính. Chỉ số giá tiêu dùng hàng tuần tại xứ bạch dương đã tăng hơn 5% chỉ tính riêng từ đầu tháng Ba. Không phải tất cả mọi thứ đều tăng giá, dù nhiều công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga hoặc cắt giảm nguồn cung, với đồng Ruble giảm giá trị.
Rượu Vodka chỉ đắt hơn một chút so với trước xung đột do chủ yếu được sản xuất trong nước. Xăng dầu gần như không tăng giá. Dù mới chỉ là khởi đầu, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy kinh tế Nga hiện đang chịu tác động lớn do trừng phạt.
Ước tính, GDP của Nga trong tuần, tính đến ngày 26/3, cao hơn 5% so với năm trước. Các dữ liệu “thời gian thực” khác như mức tiêu thụ điện và tải hàng hóa bằng đường sắt đang tăng lên. Công cụ theo dõi chi tiêu của Sberbank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, cho thấy con số tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Sóng gió chưa qua
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng sóng gió đã qua đi với nước Nga.
Giới nghiên cứu chính sách cho rằng kinh tế Nga vẫn sẽ đối mặt với suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của nó sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố sau.
Đầu tiên, liệu người dân có lo ngại về bất ổn kinh tế khi xung đột kéo dài và bắt đầu cắt giảm chi tiêu như khi nước này sát nhập Crimea năm 2014 hay không.
Thứ hai là mức độ tác động của các lệnh trừng phạt tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xứ bạch dương. Ngành hàng không của Nga rất dễ bị tổn thương và ngành công nghiệp xe hơi không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn từ thời Liên Xô đã quen sản xuất mà không cần nhập khẩu. Nếu có nền kinh tế lớn nào có khả năng thích ứng tốt nhất với tình trạng cô lập kinh tế thì đó là Nga.
Yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất liên quan đến xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có, Moscow vẫn bán tới 10 tỷ USD tiền dầu khí mỗi tháng cho các khách hàng nước ngoài, tương đương với 1/4 xuất khẩu dầu mỏ trước xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Doanh thu này từ ngành năng lượng vẫn không ngừng tiếp sức cho nền kinh tế xứ bạch dương. Đây là nguồn ngoại tệ có giá trị, giúp Nga mua một số hàng hóa từ các nước trung lập hoặc thân thiện.
Đây sẽ là ba yếu tố then chốt giúp kinh tế Nga lạc quan trước trừng phạt của Mỹ và phương Tây thời gian tới.