📞

The Economist: Tiến trình toàn cầu hóa đã nhường bước cho một tình trạng uể oải

08:15 | 28/01/2019
Tờ The Economist (Anh) mới đây đã nêu bật một xu thế mới trong nền kinh tế, đó là việc tiến trình toàn cầu hóa ngày càng có dấu hiệu chậm lại, một hiện tượng được minh họa ngay trên trang bìa bằng hình vẽ một con ốc sên mang trên lưng một quả địa cầu.

Trong bài xã luận, The Economist cho rằng, với việc tiến trình toàn cầu hóa bị hụt hơi, một mô hình mới của thương mại thế giới đang ngày càng rõ nét cùng với những cái giá phải trả.

Theo tạp chí trên, việc Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch cách đây hai năm đã làm dấy lên những lời cảnh báo tiêu cực về khả năng khó khăn tương tự như những năm 1930. Thế nhưng giờ đây những lời tiên đoán không hay này có vẻ sai lệch.

Trang bìa của tờ The Economist nói về tương lai của toàn cầu hóa. (Nguồn Economist)

Quả thật là kinh tế Trung Quốc có tăng trưởng chậm lại và những tập đoàn hay doanh nghiệp phương Tây hoạt động ở Trung Quốc, như Apple Inc, cũng bị tác động. Nhưng tăng trưởng chung năm 2018 đã ở mức chấp nhận được, nạn thất nghiệp giảm bớt và lợi nhuận gia tăng.

Hồi tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada. Và nếu các cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc có thể đi đến một thỏa thuận với Bắc Kinh, thì sẽ có những kết luận rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ là trò chính trị để Mỹ đạt được một vài nhượng bộ từ Trung Quốc, nhưng sẽ không làm "nổ tung" thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, The Economist cảnh báo sẽ sai lầm khi đánh giá dễ dãi như trên. Căng thẳng thương mại hiện nay đã tiềm tàng từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và giờ đây đã trỗi dậy. Đầu tư, thương mại, tín dụng ngân hàng và những dây chuyền cung ứng giữa các nước đều sụt giảm hay dậm chân tại chỗ so với GDP toàn cầu.

Đối với tờ tuần báo của nước Anh, tiến trình toàn cầu hóa đã nhường bước cho một tình trạng uể oải, có thể được gọi là slowbalisation - nghĩa là toàn cầu hóa chậm lại - theo như thuật ngữ đã được một quan sát viên Hà Lan "sáng tạo" đưa ra vào năm 2015.

(theo Economist)