Đêm ngày 4/10 (giờ Việt Nam), Facebook, cùng một loạt các ứng dụng con như Messenger, Instagram và WhatsApp đã bất ngờ nhưng hoạt động trong gần 6 tiếng đồng hồ.
Facebook đã trở thành 'món ăn tinh thần' không thể thiếu của nhiều người. (Nguồn: AFP) |
Sự cố Facebook ngừng hoạt động đã khiến nhiều người nhận ra rằng, thế giới hiện tại đang quá phụ thuộc vào những nền tảng này và chúng đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống.
Không chỉ là một cách để trò chuyện và chia sẻ hình ảnh, các sản phẩm của Facebook còn là công cụ đắc lực hỗ trợ cho kinh doanh, sắp xếp các công việc quan trọng, tiến hành các lớp học ảo, thực hiện các chiến dịch chính trị, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và hơn thế nữa.
Nguyên nhân khiến Facebook ‘sập’?
Ngày 5/10, Facebook đã ra thông báo chính thức về nguyên nhân của sự cố. Theo đó, các kỹ sư của Facebook đã phát hiện ra rằng, sự gián đoạn kể trên là do những thay đổi cấu hình trên các bộ định tuyến chính giúp điều phối kết nối Internet giữa các trung tâm dữ liệu của công ty.
Các kỹ sư Facebook nhanh chóng được đưa đến nhiều trung tâm dữ liệu khác nhau của công ty để kiểm tra. Chuyên gia bảo mật Brian Krebs cho rằng, sự cố không phải là hậu quả của một cuộc tấn công mã độc, thay vào đó xuất phát từ một bản cập nhật định kỳ bị lỗi nên đã xóa sạch thông tin định tuyến DNS (máy chủ tên miền) mà Facebook cần.
Máy chủ tên miền là cấu trúc đặt tên hình thành cơ sở hạ tầng của một website. Nếu mất DNS, mạng internet sẽ không thể biết phải tìm tên miền mà người dùng đang cố gắng truy cập ở đâu.
Phó Chủ tịch Facebook phụ trách vấn đề cơ sở hạ tầng, ông Santosh Janardhan nói rằng, tình trạng gián đoạn kết nối mạng đã tác động tới kết nối giữa các trung tâm dữ liệu và làm các dịch vụ của công ty bị tê liệt.
Hiện Facebook chưa phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dữ liệu người dùng bị ảnh hưởng vì sự cố trên.
Facebook đã phải gửi lời xin lỗi tới tất cả những người dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới phụ thuộc vào dịch vụ của công ty. Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi trên trang cá nhân sau khi Facebook được khôi phục.
Vị CEO nổi tiếng nói "Xin lỗi vì sự gián đoạn xảy ra ngày hôm nay. Cá nhân tôi hiểu rằng người dùng cần các dịch vụ của Facebook để giữ liên lạc với những người thân yêu".
Ghi nhận từ các lần sập mạng cho thấy, vụ việc ngày 4/10 là sự cố nghiêm trọng nhất mà Facebook từng trải qua kể từ năm 2019. Ở thời điểm đó, một vấn đề đã khiến bản web Facebook không thể truy cập trong 24 giờ đồng hồ.
Trụ sở chính của Facebook ở Menlo Park, California. (Nguồn: New York Times) |
Gián đoạn diện rộng
Việc các nền tảng công nghệ gặp sự cố và ngừng hoạt động không phải là hiếm, nhưng việc gần như tất cả các ứng dụng hàng đầu và có nhiều người sử dụng nhất của Facebook đều gặp vấn đề, vào cùng một thời gian là điều hết sức bất thường.
Trong gần 6 tiếng, thế giới đã được nếm trải cảm giác cuộc sống không có Facebook và các ứng dụng trong hệ sinh thái của Facebook.
Theo thống kê của IT for Change, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào công nghệ ở Bangalore (Ấn Độ), trên toàn thế giới, trung bình có 2,76 tỷ người sử dụng ít nhất một sản phẩm của Facebook mỗi ngày trong tháng 6 này. Trong khi đó, WhatsApp được sử dụng để gửi hơn 100 tỷ tin nhắn mỗi ngày và đạt hơn 6 tỷ lượt tải xuống kể từ năm 2014 đến nay.
Tại Ấn Độ WhatsApp đã trở thành ứng dụng không thể nào thiếu trong cuộc sống thường ngày. Theo ông Parminder Jeet Singh, giám đốc điều hành IT for Change đã trở nên quan trọng đối với hoạt động của xã hội đến mức các nhà quản lý cần phải có sự giám sát chặt chẽ hơn.
Ở Mỹ Latinh, các ứng dụng của Facebook đã giúp người dân ở những vùng nông thôn và những người nghèo không được tiếp cận với dịch vụ điện thoại di động đắt đỏ, nhưng lại có thể tìm thấy những nơi cung cấp internet miễn phí, có thể dễ dàng kết nối với nhau.
Ở Mexico, nhiều tờ báo ở các thị trấn nhỏ không đủ khả năng in ấn bản, vì vậy họ buộc phải dựa vào Facebook để xuất bản tin tức. Do vậy, chính quyền ở một số địa phương nếu khi không thể sử dụng kênh báo chí để đưa ra các thông báo, họ lại phải tìm tới Facebook.
Trên khắp châu Phi, các ứng dụng của Facebook phổ biến đến mức đối với nhiều người, chúng chính là Internet. WhatsApp cũng là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của lục địa này, là cách đơn giản và rẻ tiền nhất để giao tiếp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm.
Tại thủ đô Nairobi của Kenya, bạn có thể đặt hàng bất cứ thứ gì từ giày dép, đồ trang sức, cây cảnh hay thậm chí là đồ dùng gia đình trên Facebook, Instagram và WhatsApp.
Ở Johannesburg (Nam Phi), các nhà cung cấp không thể truy cập được vào kênh bán hàng Facebook Marketplace, nơi được sử dụng để bán mọi thứ từ ô tô đã qua sử dụng đến tóc giả và thậm chí cả những căn lều bằng tôn, hay được gọi là zozo.
Việc sử dụng WhatsApp đã phát triển đến mức, có thời điểm ứng dụng này chiếm gần một nửa lưu lượng truy cập internet ở Zimbabwe.
Ở Tanzania, chính phủ đã phải sử dụng Twitter để kêu gọi công chúng “giữ bình tĩnh” khi Facebook bị sập.
Trong khi đó, khi Facebook sập toàn cầu, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định nước này đã có bước đi đúng khi tự phát triển các nền tảng Internet và mạng xã hội. Nga hồi tháng 7 hoàn tất thành công đợt thử nghiệm ngắt khỏi mạng Internet toàn cầu, nhằm kiểm tra khả năng vận hành của mạng nội bộ trong "trường hợp có sự can thiệp, bóp méo và đe dọa từ bên ngoài".
Có thể thấy, khi xã hội ngày một phát triển, con người lại càng bị phụ thuộc vào các loại công nghệ hơn. Chúng ta đã quá quen với việc lên mạng mỗi ngày, sử dụng các trang mạng xã hội để giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, làm việc hay thư giãn.
Tuy nhiên, vụ Facebook gặp sự cố cũng có thể coi là một “hồi chuông cảnh tỉnh” cho thấy, thế giới đã quá phụ thuộc vào những mạng xã hội này và hơn nữa, là phụ thuộc vào những công ty điều hành chúng.