Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước châu Á sẽ là điểm sáng trong năm nay. (Nguồn: VCG) |
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF cho rằng, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ tăng trưởng yếu nhất trong hơn 30 năm qua, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là “những điểm sáng” có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng ở châu Á.
IMF cho biết, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới. Đây sẽ là dự báo trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990.
Trong ngắn hạn, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu xuống 2,8% cho năm nay và 3% cho năm 2024, trong bối cảnh lạm phát cao kéo dài và các nền kinh tế lớn đang ra sức xử lý "lỗ hổng" của khu vực ngân hàng.
IMF nhận định: "Khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới sẽ chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong năm nay".
Trung Quốc - nhân tố rất quan trọng trên toàn cầu
Theo ông Srinivasan, bất chấp triển vọng toàn cầu ảm đạm, các quốc gia ở châu Á có thể bù đắp một số tác động của những "cơn gió ngược" toàn cầu bằng cách hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo IMF, hai quốc gia đông dân nhất thế giới này dự kiến sẽ chiếm khoảng một nửa tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF nhấn mạnh: “Trung Quốc đã phục hồi và đang trở lại mạnh mẽ".
Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất ngờ mở cửa trở lại vào tháng 12/2022 là tin vui đối với các đối tác thương mại trong khu vực.
IMF dự đoán, mức tăng trưởng của Trung Quốc ở mức khoảng 5% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng vừa phải nhưng lại tốt hơn nhiều so với con số 3% năm 2022.
Ông Srinivasan nói: “Trung Quốc là một nhân tố rất quan trọng cả trên toàn cầu và trong khu vực. Số liệu của chúng tôi cho thấy, cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc thì các nước trong khu vực tăng 0,3 điểm phần trăm".
Một nhà phân tích tại Ngân hàng Mỹ cũng nhận định, các dấu hiệu phục hồi được ghi nhận trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và xa xỉ của Trung Quốc.
Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 3 được công bố, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết, CPI của Trung Quốc dự kiến "tăng tốc một cách khiêm tốn" trong những tháng tới, nhờ sự phục hồi kinh tế.
Đầu tư và xuất khẩu tại Ấn Độ đang bùng nổ
Theo quan chức của IMF, trong khi Quỹ này, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hạ dự báo đối với Ấn Độ trong năm nay thì đầu tư và xuất khẩu của quốc gia này đang bùng nổ.
Ông Srinivasan nhấn mạnh: “Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ 6,1% xuống 5,9%. Tại quốc gia này đã xuất hiện một số yếu tố chậm lại trong tiêu thụ. Nhưng nhìn chung, Ấn Độ vẫn là một điểm tương đối sáng trong nền kinh tế thế giới.
Cách thức hoạt động của Trung Quốc và Ấn Độ trong vài năm tới sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến triển vọng của châu Á.
Nếu Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục làm tốt, thì đó là một bước ngoặt lớn đối với các nước trong khu vực".
Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tiêu chuẩn lịch sử
Ông Srinivasan cho biết, các nền kinh tế thế giới đã phải chịu đựng một số “cú sốc” trong vài năm qua, đặc biệt là đại dịch Covid-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Quỹ cảnh báo rằng, sự hỗn loạn của hệ thống tài chính gần đây có thể khiến sản lượng toàn cầu giảm xuống gần mức suy thoái.
Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF khẳng định: "Rủi ro phân mảnh địa chính trị đã tăng khá mạnh trong 5 năm qua và càng nghiêm trọng do cuộc chiến ở Ukraine. Nếu những rủi ro đó tăng lên, châu Á có nguy cơ bị thiệt hại nhiều nhất trong số tất cả các khu vực trên thế giới".
Còn ông Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc nghiên cứu của IMF nhận định: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó khăn, trong đó tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Rủi ro tài chính đã tăng lên và cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa dứt điểm".
Các quốc gia châu Á tiếp tục đối mặt với các vấn đề như nhu cầu bên ngoài từ Mỹ và châu Âu chậm lại và lãi suất tăng cao do các ngân hàng trung ương tiếp tục công cuộc chống lạm phát.
Mặc dù tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã có tác động thầm lặng đến châu Á, nhưng hậu quả tiếp theo trong lĩnh vực này có thể tiếp tục lan sang khu vực này.
Ông Srinivasan nói: “Các hệ thống ngân hàng châu Á được vốn hóa khá tốt. Nhưng nếu có thêm căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, đó có thể là một rủi ro quan trọng của khu vực này".