Rất khó để bất kỳ tài sản hoặc tiền tệ nào vượt qua được đồng USD. (Nguồn: The News) |
Thời gian qua, nhiều quốc gia nỗ lực tìm kiếm tiền tệ thay thế USD để sử dụng trong thương mại quốc tế và dự trữ.
Theo Business Insider, đồng tiền Trung Quốc đang ở thời điểm tỏa sáng và là thách thức tiềm tàng đối với hệ thống thanh toán toàn cầu vốn do đồng USD thống trị. Khi muốn mở rộng phạm vi sử dụng đồng tiền của mình, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thực hiện các thỏa thuận với nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga.
Và mặc dù đồng tiền này không phải là đối thủ duy nhất của đồng bạc xanh, nhưng nó là đối thủ nổi tiếng nhất, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc đang gia tăng về lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để bất kỳ tài sản hoặc tiền tệ nào vượt qua được đồng USD. Quan trọng hơn, Bắc Kinh còn không muốn đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc nói với Business Insider.
Dưới đây là ba lý do tại sao ngay cả Trung Quốc cũng không "mặn mà" với việc phi USD hóa.
Không muốn tự do hóa tiền tệ
Ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London (Anh) cho biết, mặc dù Trung Quốc có vẻ muốn phá vỡ sự thống trị toàn cầu của Mỹ nhưng họ chỉ muốn làm như vậy theo các điều kiện của Bắc Kinh.
Theo vị chuyên gia này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hành động thận trọng trong thập niên qua để thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn mà không làm gián đoạn an ninh tài chính và hiện tại không có khả năng làm đảo lộn động thái đó.
Sự ổn định này được duy trì qua việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn, kiểm soát lượng tiền nước ngoài có thể di chuyển vào và ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái ngoại tệ.
Ông Rory Green nói: "Chính sách của Bắc Kinh thường nghiêng về việc có những biện pháp kiểm soát như vậy vì coi chúng là điều kiện tiên quyết cho một chính sách tiền tệ độc lập, có chủ quyền.
Vì những biện pháp kiểm soát này, Bắc Kinh không bao giờ có thể tự do hóa hoàn toàn tài khoản vãng lai của mình, nhưng họ vẫn có thể theo đuổi quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ".
Thay vì thúc đẩy đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ thống trị toàn cầu, Bắc Kinh có thể sẽ theo đuổi phạm vi ảnh hưởng tiền tệ giữa các quốc gia mà họ giao dịch tích cực, tập trung vào việc phá vỡ sự thống trị của đồng USD ở các nơi trên thế giới.
Không để thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng
Vị trí và ảnh hưởng của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ đi kèm với cái giá phải trả, đó là thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ.
Trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng đồng USD nhiều hơn so với nhu cầu nhập khẩu của người Mỹ-vốn cũng đang được thanh toán bằng đồng bạc xanh.
Vì vậy, Mỹ cần phải đối mặt với số lượng thâm hụt lớn hơn bao giờ hết để duy trì vị thế đồng tiền dự trữ của mình. Nghịch lý này lần đầu tiên được nhà kinh tế Robert Triffin của Đại học Yale đưa ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 1960.
Theo Bloomberg, hạn chế của việc thâm hụt tài khoản vãng lai là khiến một quốc gia dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ trong dòng vốn toàn cầu.
Reuters khẳng định, Mỹ có thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai lớn hơn so với hầu hết các quốc gia khác vì nước này là nhà phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Hãng tin trên nhận định: “Khi nền kinh tế toàn cầu mở rộng, nhu cầu về tài sản dự trữ tăng lên. Những tài sản này chỉ có thể được cung cấp cho người nước ngoài bởi nước Mỹ đang thâm hụt tài khoản vãng lai".
Còn ông Green cho rằng, mặc dù Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nước này không thể chịu được tình trạng thâm hụt dai dẳng như Mỹ.
Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc không có khả năng về kinh tế - trừ khi có cải cách cơ cấu quan trọng - để thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài và cung cấp đủ nguồn cung tài sản Nhân dân tệ trên toàn cầu".
Đồng Nhân dân tệ đang có thời điểm tỏa sáng. (Nguồn: Reuters) |
Cần tài sản thay thế
Hiện tại, vai trò của đồng Euro lớn hơn đồng Nhân dân tệ. Vào tháng 4/2023, 43% tổng số khoản thanh toán toàn cầu được thực hiện qua SWIFT được thực hiện bằng USD, trong khi 32% được thực hiện bằng đồng Euro. Trong khi đó, chỉ 2,3% giao dịch SWIFT được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ.
Song song với đó, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng USD chiếm tỷ trọng lớn, tương đương 54%, dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý IV/2022. Đồng Euro chiếm 20% lượng dự trữ ngoại hối và đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 2,5% lượng dự trữ này.
Ông Green nhấn mạnh: "Điều này có nghĩa là thiếu các lựa chọn đa dạng khi nói đến tài sản dự trữ. Đây là vấn đề đối với ngân hàng trung ương Trung Quốc. Cơ quan này sẽ phải nắm giữ số lượng lớn trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ - tương tự như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hiện đang nắm giữ một lượng lớn tài sản dưới dạng chứng khoán kho bạc.
Với những vấn đề này, đồng Nhân dân tệ khó có thể vượt qua đồng bạc xanh. Địa chính trị và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng Nhân dân tệ cho thương mại và dự trữ toàn cầu. Việc sử dụng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế nhiều hơn sẽ tạo ra các kênh để phá vỡ lệnh trừng phạt, nhưng đồng USD không bị đe dọa".