📞

Thế giới sẽ “xoay xở” ra sao khi Internet cứ mỗi giờ tăng thêm 1 triệu kết nối?

15:51 | 27/06/2017
Dự báo tới cuối 2017 thế giới sẽ có 8,4 tỷ thiết bị kết nối, và tới 2020 cứ mỗi giờ sẽ có thêm 1 triệu kết nối. Sự phát triển chóng mặt này đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công nghệ mạng. Cisco vừa đưa ra giải pháp cho những thách thức này.

Phát biểu tại hội nghị thường niên Cisco Live 2017 diễn ra ở Las Vegas (Mỹ) ngày 26/6, Giám đốc điều hành Tập đoàn Cisco, Chuck Robbins, đã hé lộ một loạt giải pháp quản trị mạng thông minh, dựa theo đặc thù của từng tổ chức sử dụng.

Ông Robbins dẫn số liệu dự báo của công ty Gartner cho biết, tới cuối năm nay sẽ có khoảng 8,4 tỷ thiết bị kết nối với nhau trên toàn thế giới. Tới 2020, dự báo cứ mỗi giờ sẽ có thêm 1 triệu kết nối mới.

CEO Cisco, ông Chuck Robbins, phát biểu tại Cisco Live, Las Vegas ngày 26/6/2017. (Ảnh: Anh Huy)

Sự nở rộ của kết nối internet không phải bây giờ mới diễn ra. Đến quý III năm 2016, số kết nối mới giữa các thiết bị với nhau đã vượt quá số điện thoại di động mới hoà mạng. Khi công nghệ internet vạn vật (internet of things - IoT) bùng nổ, nhu cầu phân tích dữ liệu và khả năng tự học của máy móc tăng vọt, mở ra những cơ hội hoàn toàn mới cho các doanh nghiệp. Điều đó “sẽ thay đổi mọi thứ về tương lai của tổ chức của bạn”, ông Robbins nói.

Tầm nhìn và giải pháp mà Cisco đưa ra là một hệ thống mạng có “trực giác”, dựa trên mục tiêu và bối cảnh của người dùng. Ví dụ, khi cần triển khai một cơ chế an ninh mạng mới, người quản trị chỉ cần cài đặt một lần và hệ thống sẽ tự động triển khai nó một cách hiệu quả nhất trên hàng ngàn thiết bị trong toàn hệ thống, thay vì phải thiết lập trên từng thiết bị như trước đây.

Hơn thế nữa, hệ thống sẽ có thể phân tích dữ liệu dựa theo bối cảnh để giúp cho doanh nghiệp có những đánh giá mới mẻ; đồng thời nhận biết đặc thù công việc trong phạm vi mạng của mình để tự điều chỉnh trong quá trình vận hành.

Hệ thống mạng mới không chỉ được xây dựng để đáp ứng số kết nối tăng vọt, nó còn được tạo ra nhằm đơn giản hoá việc tăng quy mô kết nối.

Để phục vụ tất cả những yêu cầu trên, Cisco đã tung ra một giải pháp tổng thể bao gồm một Trung tâm DNA, bộ sản phẩm Catalyst 9000, và Công cụ Mã hoá Lưu lượng (Encrypt Traffic Tool).

“Việc đầu tiên chúng tôi làm là tái phát minh hệ thống mạng để người dùng có thể vận hành công nghệ số của tương lai. Hệ thống “trực giác” được định hình bởi bối cảnh và là sự khởi đầu của hành trình thay đổi mọi thứ của chúng tôi”, ông Robbins nói.

CEO của Cisco lấy ví dụ, nếu một doanh nghiệp có bối cảnh là đang hoạt động trong ngành y tế, Trung tâm DNA sẽ nhận biết điều đó và điều khiển hệ thống mạng để giúp người dùng giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc bối cảnh đó.

Một khía cạnh rất quan trọng của công nghệ mạng mới, là an ninh mạng trở thành một thành tố có sẵn, được cài đặt sâu trong nền tảng. Ông Robbins giải thích, hệ thống sẽ có thể phát hiện được mã độc ngay trong lưu lượng Internet được mã hoá, mà không cần phải giải mã lưu lượng này, từ đó đảm bảo tối đa tính bảo mật.

CEO Apple, ông Tim Cook, chia sẻ tại Cisco Live, Las Vegas ngày 26/6/2017. (Ảnh: Anh Huy)

Tại Cisco Live 2017, CEO của Cisco còn gây chú ý khi bất ngờ mời CEO của Apple, ông Tim Cook, lên sân khấu để cùng chia sẻ những thông tin mới nhất về sự hợp tác giữa hai công ty, vốn được công bố cách đây 2 năm.

Tim Cook cho biết, một trong những kết quả quan trọng của sự hợp tác là hệ điều hành sắp ra mắt của Apple, iOS 11, sẽ tích hợp nhiều tính năng đột phá cho người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Đồng thời sức mạnh của Cisco và Apple kết hợp lại sẽ giúp cho hệ điều hành này trở nên an toàn hơn rất nhiều.

(theo Dân trí)